Phát triển tài sản trí tuệ - hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ (TSTT) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực tại các địa phương và tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp.

Sản phẩm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng được bày bán tại Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

Nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT), những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của các địa phương, viện, trường, doanh nghiệp để hướng dẫn triển khai thực hiện bảo hộ quyền sở hữu, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng, phát triển các TSTT của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh ban hành hệ thống các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với hoạt động SHTT, phát triển TSTT. Trong đó, nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng, phát triển các TSTT của tỉnh giai đoạn 2020-2025, như: Quyết định số 4408/QĐ-UBND, ngày 5/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND, ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025...

Triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT nói trên, ngành KH&CN đã chủ trì, phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn và trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu đặc sản tỉnh; hàng năm các địa phương đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và quyền SHTT để quản lý và quảng bá thương hiệu đặc sản nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai hướng dẫn 310 tổ chức, cá nhân (450 lượt hướng dẫn) về quyền SHTT; có trên 30 sản phẩm truyền thống được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và quyền SHTT như: Mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn và quế ngọc Thường Xuân; nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái... Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo tiền đề để phát triển sản phẩm truyền thống của các địa phương trên cơ sở có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; thúc đẩy sáng tạo, tăng cường bảo hộ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Nhiều đơn vị đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp KH&CN, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của tỉnh thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT.

Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT tỉnh Thanh Hóa hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 40 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; 1 nhiệm vụ KH&CN về triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; 100% các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT và hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ khai thác, áp dụng thực tiễn cho ít nhất 2 sáng chế/giải pháp hữu ích, 2 chỉ dẫn địa lý; hình thành ít nhất 1 tổ chức dịch vụ SHTT trên địa bàn tỉnh...

Để SHTT thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về SHTT. Phối hợp với Cục SHTT, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về nâng cao kiến thức SHTT cho các cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, khai thác và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, tập thể là chủ sở hữu, chủ thể quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số.

Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, việc bảo vệ phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký SHTT cần tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-trien-tai-san-tri-tue-hieu-qua-lau-dai-va-lan-toa/202380.htm