Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng

Đến với các bản mường ở Sơn La ở đâu cũng có các đội văn nghệ giao lưu, múa hát, tổ chức các chương trình văn nghệ sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân. Văn nghệ quần chúng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều bản, xóm, tiểu khu, các tổ dân phố trên khắp địa bàn các xã, thị trấn trong tỉnh.

Một đội văn nghệ quần chúng biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Chợ đêm - phố đi bộ Mộc Châu (Ảnh: Thanh Đào)

Ở huyện Mộc Châu, văn nghệ quần chúng hoạt động theo hướng ngày càng chất lượng, là một phần không thể thiếu trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương. Những chương trình văn nghệ mang bản sắc dân tộc độc đáo là yếu tố thu hút của các điểm du lịch cộng đồng tại đây.

Toàn huyện hiện có hơn 300 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, tiểu khu, các cơ quan, đơn vị, trường học. Trong đó, các đội văn nghệ ở những bản du lịch cộng đồng như: bản Áng, xã Đông Sang; bản Nà Bó, bản Vặt, bản Lùn, xã Mường Sang; bản Dọi, xã Tân Lập… luôn có hoạt động thường xuyên và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của du khách về chương trình biểu diễn mang bản sắc dân tộc của địa phương. Hay các đội nghệ nhân dân gian dân tộc Mông của tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu; đội nghệ nhân dân tộc Dao bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông; đội nghệ nhân dân tộc Thái của xã Đông Sang, Mường Sang là những nhân tố không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa lớn của huyện, tỉnh.

Chị Quàng Thị Hạnh, đội trưởng đội văn nghệ bản Nà Bó, xã Mường Sang, Mộc Châu chia sẻ: Thành viên chính của đội chỉ có 5 người, khi cần có thể huy động thêm thành viên của các đội khác trong bản. Chúng tôi thường xuyên luyện tập, dàn dựng các tiết mục múa mang bản sắc dân tộc Mông, Thái, Dao để biểu diễn phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu. Tham gia văn nghệ, các chị em không chỉ được giao lưu, vui vẻ, phấn khởi hơn mà còn có thêm thu nhập.

Một buổi luyện tập của đội văn nghệ bản Nà Bó, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. (Ảnh: Thanh Đào)

Tại huyện Quỳnh Nhai, các đội văn nghệ quần chúng hoạt động với hình thức khá đa dạng. Trong đó nổi bật là những câu lạc bộ được thành lập với mục đích bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc thiểu số. Văn nghệ quần chúng ở Quỳnh Nhai có những nét đặc trưng riêng với điệu múa nón truyền thống của dân tộc Thái trắng, điệu múa “tăng bu”, “hưn mạy”, “au eo” của dân tộc La Ha.

Chị Lò Thị Dinh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, nói: Toàn huyện có 188 đội văn nghệ, 4 câu lạc bộ “giữ gìn văn hóa dân tộc”. Các đội văn nghệ vừa hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện, góp phần phát triển du lịch địa phương, vừa là những nhân tố tham gia tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Đội văn nghệ xóm 5, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai với điệu múa nón truyền thống của dân tộc Thái trắng (Ảnh: Thanh Đào)

Thành viên của các đội văn nghệ quần chúng tiêu biểu luôn là nhân tố tích cực và không thể thiếu trong tổ chức các hoạt động văn hóa của huyện, tỉnh. Các lễ hội lớn, các sự kiện chính trị trọng đại, kỷ niệm ngày lễ lớn trong năm… luôn có các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, huy động sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên quần chúng.

Điển hình phải kể đến màn xòe Thái huy động 1.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của Thành phố tham gia trong hoạt động hành trình trải nghiệm chủ đề “Đi qua những miền di sản” của cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới năm 2022 tại Quảng trường Tây Bắc, Thành phố Sơn La; Lễ vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và bế mạc Liên hoan “Nghệ thuật Xòe Thái” tỉnh năm 2022 với hơn 500 diễn viên, nghệ nhân đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia. Màn giới thiệu văn hóa cộng đồng đặc sắc của các dân tộc Mộc Châu huy động gần 200 diễn viên quần chúng tại Lễ Khai mạc Ngày hội Du lịch Văn hóa tỉnh Sơn La “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” năm 2023…. đã góp phần làm phong phú các sự kiện.

Màn xòe Thái huy động 1.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của Thành phố tham gia (Ảnh: Trung Hiếu)

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, xóm, tiểu khu, tổ dân phố. Hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng đang ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều thành phần, không chỉ góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở mà còn góp sức vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, tiếp thu tinh hoa văn hóa hiện đại, hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng không chỉ gói gọn ở những tiết mục múa hát mang bản sắc dân tộc mà còn phát triển mạnh phong trào dân vũ hiện đại. Những điệu dân vũ sôi động, trẻ trung có sức lan tỏa lớn từ thành phố đến tận các xóm, bản với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân mang lại không khí tươi vui cho người xem.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hiện đang triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022 – 2030. Với Đề án này, Sở đang thực hiện các nội dung lồng ghép với nhiệm vụ công tác hằng năm của ngành. Trong đó, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa xã, các nghệ nhân, người có uy tín, hạt nhân văn nghệ, nhằm nâng cao năng lực truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc và hoạt động của các đội văn nghề quần chúng ở cơ sở. Mục đích nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình trình diễn, biểu diễn mang bản sắc dân tộc theo định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, có ý nghĩa, xây dựng hình ảnh văn hóa Sơn La giàu sức hút đối với du khách.

Văn nghệ quần chúng ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân từ các tổ dân phố đến mỗi xóm, bản, tiểu khu. Các hoạt động văn nghệ được cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, khuyến khích phát triển, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng làng bản và ngày càng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần động viên, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất, thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-son-la/phat-trien-phong-trao-van-nghe-quan-chung-DfZAqPXVR.html