Phát triển nông nghiệp phải gắn liền với kinh tế xanh

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng và Tổng giám đốc De Heus châu Á Gabor Fluit, đã chia sẻ với ĐTTC về thành công trong hơn 10 năm hợp tác, cũng như định hướng của 2 bên trong thời gian tới.

Phóng viên: Được biết, trong thời gian qua, Hùng Nhơn và De Heus đã có rất nhiều hợp tác trong việc phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao. Xin hai ông chia sẻ kết quả này, cũng như kế hoạch trong tương lai?

Ông Vũ Mạnh Hùng: Tính tới năm 2024, liên doanh DHN đã bước sang năm thứ 10. Như các bạn đã biết quy mô của phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp Việt còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, chúng ta cần đứng trên vai người khổng lồ, dựa vào họ để cùng nhau phát triển. Đây là lý do chúng tôi chọn De Heus để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu.

Ông Vũ Mạnh Hùng

Với tôi, ông Gabor Fluit không chỉ là người đồng hành mà còn là người bạn đáng tin cậy. Là CEO của tập đoàn đến từ châu Âu với hơn 110 năm kinh nghiệm, ông Gabor Fluit đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, thậm chí nhờ sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ này, chúng tôi đã tự tin hơn trong các quyết định đầu tư, kể cả khi thị trường có những biến động.

Có một điều khiến tôi cảm thấy rất vui là trong quá trình làm việc, tôi, ông Gabor Fluit và ông Johan van den Ban, CEO De Heus Việt Nam, đều rất hiểu ý nhau. Khi có ý tưởng, chỉ ngồi nói chuyện với nhau là chúng tôi có thể quyết liền. Chúng tôi tâm đầu ý hợp từ nếp sống, cách suy nghĩ cho đến phong cách làm việc.

Ông Gabor Fluit: Hiện tại, DHN tập trung chính vào việc phát triển nguồn con giống chất lượng cao và sạch bệnh, bởi trong chăn nuôi, chất lượng con giống rất quan trọng. Nhiều năm qua, chúng ta đã chứng kiến những dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Vì thế, chúng tôi đang đầu tư xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo sự ổn định của nguồn con giống tốt và chúng tôi đã chọn được những vị trí rất thuận lợi và phù hợp.

Ông Vũ Mạnh Hùng, chính là người hiểu rất rõ vị trí nào có thể đầu tư để phù hợp cho sự phát triển lâu dài. Phía De Heus có vai trò trong việc tìm đầu ra cho những con giống như gà con một ngày tuổi, heo nái hậu bị… để cung cấp cho các trang trại lớn trong chuỗi cung ứng của chúng tôi. Những con giống đó là loại giống tốt nhất đã được chọn lọc và sẽ cho năng suất cao nhất.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp Việt còn khá khiêm tốn nên chúng ta cần đứng trên vai người khổng lồ, dựa vào họ để cùng nhau phát triển

Hiện Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do. Rất nhiều công ty từ nhiều nước trên thế giới đang nhập khẩu thịt vào Việt Nam. Nếu người chăn nuôi Việt Nam không có sản phẩm với giá thành cạnh tranh thì chắc chắn về lâu dài, họ sẽ thua ngay chính trên sân nhà. Cho nên, muốn thành công thì các thành viên trong chuỗi giá trị của chúng tôi phải có con giống tốt, phải có nguồn thức ăn tốt, có kỹ thuật tốt, và có giải pháp về đầu ra. Đó chính là trọng tâm chính của liên doanh DHN.

- Xin ông chia sẻ thêm về những dự định, những kế hoạch của De Heus và các dự án hợp tác với Hùng Nhơn?

Ông Gabor Fluit: Ngày 6-3 vừa qua, chúng tôi đã khánh thành nhà máy thứ 4 của chúng tôi tại tỉnh Vĩnh Long. Đây là một nhà máy chuyên biệt sản xuất thức ăn cho tôm, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật cao của châu Âu và Mỹ. Dự kiến ngày 18-5, De Heus sẽ phối hợp cùng Hùng Nhơn tổ chức lễ khánh thành khu nuôi gà giống công nghệ cao tại Tây Ninh, đồng thời khởi công đồng loạt một số dự án khác nhằm phục vụ chuỗi liên kết sản xuất gà trắng hướng tới xuất khẩu.

Ông Gabor Fluit

Về chiến lược phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao năm 2024 và tầm nhìn đến năm 2030, Chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 37.500 heo giống, heo nái thương phẩm tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ; cung cấp 83 triệu con gà giống và gà thịt tại Tây Ninh. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, De Heus cũng sẽ triển khai một số dự án chăn nuôi bền vững. Mục đích của De Heus là giúp đỡ những người chăn nuôi thực sự muốn tồn tại với nghề, chủ yếu là về vốn, kỹ thuật, công nghệ để họ có thể đi tiếp con đường đó. Đối với sản phẩm xuất khẩu, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, do đó các thành viên của chuỗi sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, các tiêu chí liên quan đến giảm phát thải nhằm hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh.

Theo tôi được biết, Việt Nam đang có chủ trương cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi vào năm 2025. Do đó rất nhiều dự án của De Heus trong thời gian tới sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này. Để chủ động hơn nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm bớt nhập khẩu, De Heus cũng đang phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên xây dựng vùng nguyên liệu ngô, sắn phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là dự án trọng điểm của De Heus tại Việt Nam.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp nổi lên một tên tuổi đáng gờm. Đó là Chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN - liên doanh giữa Hùng Nhơn và De Heus, với hàng loạt dự án, từ các tỉnh Tây Nguyên cho đến Tây Ninh, sắp tới là Bình Phước.

- Thưa ông Vũ Mạnh Hùng, với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), ông có thể đưa ra những đánh giá về sự phát triển của nông nghiệp số tại Việt Nam?

Ông Vũ Mạnh Hùng: VIDA là sân chơi chung tập hợp nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường. Từ đó lan tỏa và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa với mục tiêu tối thượng “Giàu từ Nông nghiệp”.

VIDA đã và đang hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, xây dựng các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng.

Hiện nay, Chính phủ quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050. Do đó, chúng tôi cũng đang tính toán để có một hướng đi tổng thể cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp số vào thực tiễn hoạt động của tất cả những trang trại.

Xin cảm ơn hai ông về buổi phỏng vấn này!

Hải Hồ

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/phat-trien-nong-nghiep-phai-gan-lien-voi-kinh-te-xanh-post112549.html