Phát triển nông nghiệp hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, vận động nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; từng bước hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung với quy mô lớn, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân.

 Chăm sóc dưa lưới trồng theo công nghệ Nhật Bản tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Ảnh: L.A

Chăm sóc dưa lưới trồng theo công nghệ Nhật Bản tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Ảnh: L.A

Trồng chanh leo xuất khẩu

Vừa dẫn chúng tôi đi xem vườn chanh leo đang kì thu hoạch của mình, anh Hồ Văn Sáu ở tại thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, vừa cho biết: Những năm trước đây, kinh tế của gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây cà phê. Tuy nhiên do giá cả xuống thấp, cây cà phê ngày càng già cỗi nên năng suất không cao. Qua tìm hiểu, tôi mạnh dạn đăng kí trồng thử nghiệm cây chanh leo do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (TT&BVTV) và Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc (Công ty Nafoods) hỗ trợ trên diện tích 0,5 ha. Bắt đầu xuống giống từ tháng 9/2018, chỉ sau chưa đầy 6 tháng trồng và chăm sóc, cây chanh leo đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với 0,5 ha chanh leo này, từ khi bắt đầu thu hoạch đến nay, gia đình tôi đã thu được gần 15 tấn chanh thành phẩm.

Theo anh Sáu, ưu điểm của cây chanh leo là thu hoạch được quanh năm và kéo dài từ 2 - 3 năm. Trọng lượng bình quân khoảng 15 - 17 quả/ kg; trong đó khoảng 40% quả đạt trọng lượng và chất lượng để xuất khẩu. Với giá nhập chanh loại 1 cho Công ty Nafoods từ 25.000 - 30.000 đồng/ kg, loại 2 và loại 3 khoảng 15.000 đồng/kg, thấp nhất cũng được 4.000 đồng/kg, ước tính thu nhập mỗi năm từ vườn chanh leo hơn 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 70 - 80 triệu đồng.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hồ Quốc Trung cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện đã có gần 50 hộ tham gia trồng chanh leo với diện tích hơn 35 ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập, tổng sản lượng ước đạt 500 tấn/năm, trung bình đạt 15 tấn/ha. Đặc biệt, một số vườn trồng theo hướng liên kết với Công ty Nafoods nhờ chăm sóc tốt, tuân thủ quy trình thì năng suất lên tới 30 - 45 tấn/ha; tỉ lệ chanh loại A1, A1 Vip, A2, A2 Vip đạt từ 41,05 - 54,41% trên tổng lượng quả; mang lại lợi nhuận cho người trồng hơn 100 triệu đồng/ha. Do có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp để cây phát triển nên trái chanh leo có màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon, đạt chất lượng để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

 Mô hình trồng chanh leo tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Ảnh: L.A

Mô hình trồng chanh leo tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Ảnh: L.A

Đưa dưa lưới vào siêu thị

Năm 2018, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), anh Dương Quốc Vinh ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản với quy mô 1.000 m2; sử dụng 6 giống dưa chính bao gồm giống Inthanon RZ 34- 248, Nagami, HL21, Kim thiên hoàng, Nhật Bản và Thủy Phương. Anh Vinh cho biết: Do trồng trong nhà màng, sử dụng giá thể bằng đất cát, cung cấp dinh dưỡng theo từng chu kì sinh trưởng của cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, tuân thủ nghiêm ngặt các các yêu cầu kĩ thuật nên cây dưa lưới sinh trưởng tốt, tỉ lệ đậu quả cao. Để quả dưa đạt chất lượng cao, tôi chỉ để trên mỗi cây duy nhất 1 quả. Bình quân mỗi lứa từ 65 - 80 ngày cho thu được trên 1 tấn quả, trọng lượng từ 1,3 - 2 kg/quả. Qua kiểm tra mẫu sản phẩm, dưa lưới của tôi có chất lượng tốt, ngọt và thơm ngon (độ Brix từ 12 - 14), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Để tiêu thụ sản phẩm, Tập đoàn Sumitomo đã kết nối với Siêu thị Intimex Hà Nội bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa lưới với giá bình quân từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư trực tiếp tôi thu lãi hơn 40 triệu đồng. “Sắp tới tôi sẽ xây dựng mới thêm một nhà màng như thế này, nâng tổng diện tích lên 2.000 m2 nhằm tăng năng suất, sản lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Vinh chia sẻ.

Cùng với mô hình tại xã Trung Giang, ngành Nông nghiệp và Tập đoàn Sumitomo cũng đã thực hiện thành công mô hình này trên đất gò đồi và đang tiếp tục triển khai tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Ngoài ra tại huyện Vĩnh Linh, Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng đã hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng dưa lưới tại HTX Trường Sơn và HTX Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú; HTX Thủy Trung, xã Vĩnh Trung với tổng quy mô 5.500 m2. Đến nay các mô hình này đều phát triển tốt, cho thu nhập từ 40 - 90 triệu đồng/lứa. Việc trồng thành công dưa lưới ở các địa phương trong tỉnh đã khẳng định điều kiện đất đai, khí hậu Quảng Trị, kể cả đất cát ven biển phù hợp cho cây dưa lưới phát triển, cho năng suất và chất lượng cao, được thị trường chấp nhận. Qua đó đã bổ sung thêm một đối tượng cây trồng có giá trị vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.

Trồng thành công sâm Bố Chính

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu năm 2019, một nhóm hộ gia đình tại xã Gio An, huyện Gio Linh đã mạnh dạn liên kết với Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm (Công ty Tuệ Lâm) trồng thử nghiệm 3 ha sâm Bố Chính theo quy trình Organic kĩ thuật cao với tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỉ đồng. Sau 9 tháng triển khai, mô hình đã thu được những kết quả rất tích cực. Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu, 1 trong 3 thành viên nhóm hộ trồng sâm Bố Chính cho biết: “Sau gần 9 tháng trồng và chăm sóc, 3 ha sâm Bố Chính cho thu hoạch hơn 12 tấn củ sâm, vượt dự tính ban đầu. Sâm củ sau khi thu hoạch được phân thành nhiều loại và được bán với giá từ 120.000 - 600.000 đồng/kg. Trừ chi phí trung bình 1 ha lãi khoảng 200 triệu đồng. Đặc biệt, hơn 90% sâm củ đã được Công ty Tuệ Lâm thu mua, còn lại được chúng tôi bán lẻ ra thị trường. Ngoài hình thức tiêu thụ sâm củ, chúng tôi đã liên kết với các đơn vị để làm nước giải khát, ngâm rượu và một số sản phẩm khác”.

 Sơ chế, làm sạch củ sâm Bố Chính sau khi thu hoạch. Ảnh: L.A

Sơ chế, làm sạch củ sâm Bố Chính sau khi thu hoạch. Ảnh: L.A

Theo Đông y, sâm Bố Chính là một trong những loại dược liệu quý, có khả năng phòng và điều trị nhiều loại bệnh. Trước đây, sâm Bố Chính phân bố ở nhiều vùng thuộc miền Trung nhưng do thời gian, lịch sử, loài cây này càng trở nên quý hiếm. Do đó, việc thực hiện thành công mô hình đã chứng minh cây sâm Bố Chính có khả năng sinh trưởng và phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Qua kết quả phân tích cho thấy củ sâm Bố Chính tại Quảng Trị có chất lượng rất cao, màu nâu nhạt, thịt củ săn chắc, mùi thơm nhẹ, thịt trắng, vị béo. Tỉ lệ củ đạt chất lượng loại 1 trên 30%. Mô hình này còn giúp hình thành và phát triển phương thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn kết với doanh nghiệp, góp phần định hình một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường. “Hiện nay cây sâm Bố Chính đang được triển khai nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp người nông dân có hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Nguyễn Hồng Phương cho biết.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145656