Phát triển nông nghiệp an toàn - hướng đi ở Như Thanh

Những năm qua, huyện miền núi Như Thanh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp an toàn. Những kết quả bước đầu đang cho thấy đây là hướng đi đúng đắn để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Anh Trần Viết Khanh ở thôn 8, xã Xuân Du chăm sóc vườn thanh long của gia đình.

Trước đây, 1,2 ha đất của gia đình anh Trần Viết Khanh ở thôn 8, xã Xuân Du (Như Thanh) chủ yếu trồng mía, thu nhập không cao. Từ năm 2012, anh trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ, đến nay, mỗi năm, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. "Với mong muốn tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng sản phẩm sạch, an toàn nên tôi đã áp dụng các quy trình chăm sóc tiên tiến, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình tôi đã được đông đảo người dân đón nhận” - anh Khanh cho biết.

Cũng giống như gia đình anh Khanh, anh Hoàng Văn Tuấn ở thôn 14, xã Xuân Du bắt đầu chuyển đổi mô hình trồng nho từ năm 2021 với diện tích 1,8 ha. Đến nay, vườn nho đã cho thu hoạch. Nho được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 200.000 đến 400.000đồng/kg, cho lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, sản phẩm nho của gia đình anh cũng được nhập trực tiếp cho các siêu thị tại Hà Nội, Bắc Ninh. Anh Hoàng Văn Tuấn chia sẻ: “Sau khi được chính quyền địa phương cho đi tham quan, học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế ở những tỉnh bạn, tôi đã quyết định đầu tư vào trồng nho hướng tới thị trường xuất khẩu. Sau 2 năm trồng thử nghiệm với việc sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, tôi thấy mô hình này cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa. Thời gian tới, tôi đang có ý định thuê thêm các thửa đất của các hộ gia đình lân cận để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hướng tới xuất khẩu”.

Đến nay, tất cả các hộ xã viên trong HTX nông nghiệp Xuân Du đều sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Nhờ đó, đất đai ngày càng phì nhiêu, các loại vi sinh vật có ích phát triển nhiều hơn. Quan trọng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng tăng hơn so với trước đây khi dùng phân bón vô cơ.

Ông Bùi Văn Thiệp, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Du, cho biết: “Trong quá trình sản xuất, các hội viên trong HTX đã thực hiện nghiêm ngặt quy định ghi chép các thông tin từ nguồn gốc giống, đất, phân bón, áp dụng khoa học - kỹ thuật từ khâu trồng, quy trình chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Để giúp cho các sản phẩm nông sản sạch của người dân trên địa bàn huyện đến tay người tiêu dùng, chúng tôi đã vận động, hướng dẫn nông dân tổ chức giới thiệu nông sản sạch trên các nền tảng số và các sàn thương mại điện tử”.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, huyện Như Thanh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Những vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây lương thực theo mô hình nông nghiệp sạch ngày càng xuất hiện nhiều. Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt 883,41 ha, trong đó diện tích tập trung (từ 500m2 trở lên) là 165 ha; diện tích sử dụng giống năng suất, chất lượng cao là 415 ha; diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất 30 ha, diện tích thâm canh 165 ha.

Ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: “Phòng đã chỉ đạo cho các địa phương hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất nông sản theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng chứ không chạy đua nâng cao năng suất. Trong sản xuất phải hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học để tránh tồn dư chất bảo vệ thực vật trong nông sản. Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, hầu hết sản phẩm nông sản của địa phương không có tồn dư hóa chất độc hại”.

Bài và ảnh: Minh Khanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-an-toan-huong-di-o-nhu-thanh/191745.htm