Phát triển nhanh diện tích cây ăn quả không đi đôi với kỹ thuật: Nguy cơ mất trắng

Diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi tăng nhanh trong nhiều năm trở lại đây. Việc người dân phát triển ồ ạt nhưng lại không làm chủ được kỹ thuật đem lại năng suất trong một vài năm đầu, nhưng giờ, bà con nhiều nơi đang 'đứng ngồi không yên' khi cây đổ bệnh trên diện tích rộng, nguy cơ mất trắng đang thường trực.

Tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) thời kỳ cao điểm có đến hơn 150 ha cam. Đây được xem là cây trồng đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định trong suốt chục năm trời, đây cũng được mệnh danh là đất cam có tiếng của huyện Hàm Yên. Thế nhưng, 2 năm nay, nhiều vườn cam bắt đầu còi cọc, chậm lớn, không cho quả, bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện rộng khiến cây cam chết hàng loạt.

Ông Vũ Quang Tiến có hơn 1,7 ha cam, 2 năm trở lại đây đã không có nguồn thu từ “cây triệu phú” một thời. Những cây cam trong vườn giờ xơ xác như củi khô, chặt bỏ thì tiếc, mà giữ lại thì gần như không còn phương án cứu chữa. Không chỉ ông Tiến, vườn cam nhà bà Lê Thị Chuyên, các ông Lại Văn Thuần, Lại Văn Thịnh… cũng chung tình trạng bệnh.

Vườn cam của người dân tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) còi cọc,chậm lớn do bệnh vàng lá thối rễ.

Ông Vũ Mạnh Cường, Tổ trưởng tổ dân phố Đồng Bàng cho biết, chỉ sau 2 năm, diện tích vườn cam chết do vàng lá thối rễ gia tăng. Từ hơn 150 ha, giờ ở Đồng Bàng chỉ còn lại chưa đầy 20 ha. Tổ đã báo cáo với phòng chuyên môn. Phòng chuyên môn đã mời nhiều chuyên gia về khảo sát, đánh giá và tìm phương án khắc phục, nhưng đến thời điểm này, phương án khắc phục tốt nhất là… bỏ vườn. Ngay vườn nhà ông Cường có hơn 2 ha cũng đã hỏng hoàn toàn. Nhiều bà con đã tính đến việc chuyển sang một số cây trồng khác như chè, cây lâm nghiệp.

Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, không riêng gì ở Đồng Bàng, nhiều diện tích cam ở Yên Thuận, Phù Lưu, Tân Thành… cũng đang chung tình trạng. Diện tích thống kê chưa đầy đủ là hơn 200 ha cam mắc bệnh. Trung tâm Cây ăn quả huyện đã mời các nhà chuyên môn từ Viện Bảo vệ thực vật (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đến hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do nấm bệnh, vi rút như Fusarium, Pythium, Phytophthora, Rhizoctonia, tuyến trùng và nhện hại rễ gây ra… Cũng không loại trừ khả năng việc lạm dụng phân bón hóa học một thời gian dài và sử dụng giống cây không sạch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh lây lan trên diện rộng và khó có khả năng phục hồi. Ông Hùng cho biết, giải pháp chính của địa phương này hiện nay là khuyến cáo bà con phá bỏ diện tích vườn bị bệnh và luân canh sang các cây trồng khác một vài chu kỳ, loại bỏ hoàn toàn nấm bệnh, vi rút ra khỏi đất trước khi tính toán việc có quay trở lại trồng cam hay không.

Vườn bưởi hơn 3 ha nhà ông Vũ Thế Hoàng, thôn 2, xã Trung Trực (Yên Sơn) cũng đang chết dần do nấm gây bệnh thối rễ gây ra. Ông Hoàng bảo, mỗi năm vài cây chết, thường cứ cây trồng đến năm thứ 2 thì mắc bệnh, tính ra đến thời điểm này ông đã mất hơn 40 cây rồi. Không chỉ cây chết vì vàng lá thối rễ, do chưa làm chủ được kỹ thuật, vụ bưởi năm 2019, ông Hoàng gần như không loại bỏ quả nhỏ trên cây, khiến cây phải “tận dụng” hết dinh dưỡng, bị khai thác kiệt quệ. Chỉ vườn bưởi lác đác quả, ông bảo năm nay cây không còn cho quả sai nữa, mỗi cây chỉ còn vài chục quả. Mặc dù được bón phân đầy đủ, nhưng ông Hoàng thừa nhận, chất lượng quả từ vườn nhà mình ông cũng chỉ dám bán buôn cho các thương lái phương xa chứ không dám bán cho người quen vì quả trong vườn thường hay bị khô đầu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang phát sinh một số nguy cơ đáng lo ngại. Trong đó, nguy hiểm nhất là nguy cơ bùng phát các loại bệnh trên cây ăn quả có múi. Bên cạnh đó, do sự phát triển “nóng”, chạy theo số lượng và gia tăng nhanh về diện tích nên nhiều chủ vườn chưa chú trọng vào việc thâm canh, chưa áp dụng chặt chẽ về các quy trình kỹ thuật... không chỉ khiến nguy cơ dịch bệnh gia tăng, mà còn khiến chất lượng quả bị giảm sút. Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong một thời gian dài khiến đất bị thoái hóa, cây trồng bị “quá tải”… Đây là vấn đề hết sức lo ngại, và từng là bài học mà nhiều địa phương có vùng cây ăn quả có múi lớn như Hàm Yên, Yên Sơn phải gánh thiệt hại, nhất là việc nông dân phát triển ồ ạt không theo quy trình sản xuất bền vững, dẫn tới vườn cam, bưởi bị thoái hóa, nhiễm bệnh, giảm chất lượng.

Hạn chế vấn đề này, ngoài việc khuyến cáo người dân sử dụng giống cây chất lượng, áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật, thì việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ cũng đang được ngành nông nghiệp mở rộng, người dân hưởng ứng. Tổ trưởng Tổ dân phố Đồng Bàng Vũ Mạnh Cường chia sẻ, hiện ông cũng như nhiều hộ gia đình đã tính đến việc quay trở lại hướng sản xuất hữu cơ, hạn chế tối đa tình trạng quá tải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, điều hòa lại đất đai và môi trường để cả cây cối và con người có được thời gian nghỉ ngơi, thích nghi với cách thức sản xuất mới. Hy vọng, cách làm này sẽ cứu vãn được vùng cam có tiếng Đồng Bàng ngày nào, để cây cam vẫn giữ vững được vị thế là “cây triệu phú” của bà con trong vùng.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-nhanh-dien-tich-cay-an-qua-khong-di-doi-voi-ky-thuat-nguy-co-mat-trang-133482.html