Phát triển nguồn lực lao động STEM ở Việt Nam

Ngày 18/8, tại Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEMCON) thường niên lần thứ 8.

Toàn cảnh hội thảo.

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc. Hội nghị do Đại học Bang Arizona (ASU) tổ chức, với sự hỗ trợ của Cơ Quan Phát Triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và sự phối hợp của Trường ĐH Phenikaa, cùng các đối tác là các trường đại học và doanh nghiệp danh tiếng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc. Giáo dục hướng tới mục tiêu phát triển con người, tạo ra nguồn nhân lực có trình độ góp phần phát triển nền kinh tế của mỗi đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.

Nhấn mạnh, Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thứ trưởng cho hay, phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Thời gian qua, Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như: SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC, UNESCO, UNICEF...

Hiện có 408 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài; trong đó, có trên 70 chương trình với các trường đại học của Hoa Kỳ và khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ trong tổng số 200.000 du học sinh VN đang học tập tại nước ngoài.

Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự sự kiện.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Đề án xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học trình Chính phủ để hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GD&ĐT xây dựng Dự án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, có nội dung đầu tư xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến dùng chung và xây dựng học liệu cho các khóa học trực tuyến ở một nhóm ngành: kỹ thuật và công nghệ; kinh tế, khoa học tự nhiên...

Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, 8 năm qua, chúng ta đã chứng kiến các trường đại học đạt được những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chương trình giảng dạy, đáp ứng theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Nỗ lực chuyển đổi này đã mang lại thay đổi mang tính hệ thống, trao quyền cho các trường đại học Việt Nam nắm lấy quyền tự chủ và đổi mới.

Phương pháp tiếp cận dựa trên quan hệ đối tác của dự án BUILD-IT đã thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu của giới học thuật và doanh nghiệp. Các trọng tâm mũi nhọn trong mảng học tập dựa trên dự án và thiết lập không gian sáng chế tiên tiến cũng như phòng thí nghiệm hiện đại đã thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo của hàng nghìn sinh viên, dẫn đến hơn 300 dự án xuất sắc ngoài mong đợi, tạo động lực cho sự tiến bộ”.

Chuyên gia trình bày tham luận.

Tại phiên tham luận, đại diện đến từ các doanh nghiệp đã phân tích sâu vào các chủ đề phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và nhà trường, giải quyết thách thức và vạch ra các lộ trình chiến lược hướng tới việc nuôi dưỡng nguồn nhân tài STEM của Việt Nam.

Các diễn giả giàu kinh nghiệm cũng chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và các đề xuất được xây dựng tỉ mỉ dành cho các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Các diễn giả và đại biểu tham dự đã trao đổi và phân tích hiệu quả của các chương trình chứng chỉ và chứng chỉ vi mô "đúng lúc", một yếu tố rất quan trọng trong việc giải quyết khoảng cách kỹ năng ngày càng leo thang trong lĩnh vực STEM đang phát triển nhanh chóng.

Với một loạt các cuộc thảo luận và phiên chia sẻ kiến thức, STEMCON 2023 đã nhấn mạnh phương pháp mẫu mực và lộ trình tiên phong đã định hình quỹ đạo để xây dựng các mối quan hệ đối tác có quy mô lớn, tập trung vào đổi mới sáng tạo nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ trong khối ngành STEM ngày hôm nay và trong tương lai.

STEMCON lần thứ 8 có chủ đề là “sứ mệnh phát triển nguồn lực lao động STEM ở Việt Nam: Xây dựng kỹ năng kỹ thuật số, công nghệ và kỹ sư tài năng quy mô lớn” đồng thời tổng kết Dự án BUILT-IT giai đoạn 2015-2023. STEMCON đã quy tụ hơn 200 đại biểu tham dự là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trường đại học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân.

Hội nghị nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết: nuôi dưỡng lực lượng lao động STEM giàu năng lực và có khả năng thích ứng, có khả năng thúc đẩy nền nền kinh tế số của Việt Nam hướng tới một tương lai thịnh vượng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, Chính phủ và các trường đại học phát triển quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy sự đổi mới, tinh thần kinh doanh và phát triển giáo dục đại học STEM.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-nguon-luc-lao-dong-stem-o-viet-nam-post651111.html