Phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng

Chọn khởi nghiệp bằng việc mở một cửa hàng chuyên bán thổ cẩm, cô gái người Hrê Phạm Thị Sung (31 tuổi), ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) đã đưa thổ cẩm Làng Teng đi muôn nơi và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trong làng.

Cũng như bao người con gái Hrê khác, ngay từ thuở nhỏ, chị Phạm Thị Sung đã được mẹ truyền cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Có nghề thổ cẩm trong tay, nhưng Sung cùng bao phụ nữ khác trong làng chỉ dệt thổ cẩm phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình, chứ chưa phát triển lên thành hàng hóa.

Đến năm 2019, khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Hrê ở thôn Làng Teng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, suy nghĩ của cô gái trẻ người Hrê Phạm Thị Sung lúc ấy đã có thay đổi mang tính bước ngoặt.

Chị Phạm Thị Sung, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) miệt mài giữ nghề dệt truyền thống của đồng bào Hrê. Ảnh: T.S

Trợ lực cho phụ nữ khởi nghiệp

Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, chị Phạm Thị Sung đang hoàn tất các giấy tờ cần thiết để được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc, việc triển khai thực hiện nội dung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo nguyên tắc sau: Mô hình được hỗ trợ tạo việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 15 hộ gia đình thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn, ưu tiên hỗ trợ cho các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia mô hình...

Thổ cẩm quê mìn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhưng tôi cùng các bà, các mẹ dù có nghề trong tay, vẫn ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên rẫy. Chính điều đó đã khiến tôi trăn trở và suy nghĩ, phải biến sản phẩm thổ cẩm của quê mình trở thành hàng hóa để người biết dệt kiếm được thu nhập ổn định từ nghề”, chị Sung tâm sự.

Từ suy nghĩ đó, chị Sung đã mở một cửa hàng chuyên bán thổ cẩm ngay tại thôn Làng Teng. Thoạt đầu, cửa hàng của chị Sung chuyên bày bán các bộ trang phục nam, nữ, khố, vải điệu em bé, khăn truyền thống của người Hrê. Về sau, chị Sung sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới từ thổ cẩm truyền thống, như áo dài thổ cẩm, khăn trải bàn, túi xách, ví, móc chìa khóa... Nhờ đó, thổ cẩm Làng Teng có sức sống mới và mang tính ứng dụng cao. Không chỉ bán tại cửa hàng, chị Sung còn vận dụng sự linh hoạt, nhạy bén của tuổi trẻ để bán thổ cẩm Làng Teng trên Internet, góp phần lan tỏa sản phẩm thổ cẩm Làng Teng đến muôn nơi.

Các sản phẩm thổ cẩm từ cửa hàng đều do chị Sung và các chị em phụ nữ Làng Teng dệt nên. Để thuyết phục các chị em trở lại với khung dệt, chị Sung đã lặn lội đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Khi các bà, các mẹ, các chị cùng tham gia với mình, chị Sung tiếp tục sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, họa tiết mới, rồi cùng hướng dẫn các chị em làm đến khi thành thục.

Gắn bó cùng chị Sung đến nay đã hơn 3 năm, chị Phạm Thị Su, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành tháng nào cũng có thu nhập từ 6 triệu đồng trở lên. “Tôi dệt tại nhà, rồi khi hoàn thành thì Sung đến tận nhà để lấy. Nhờ thành thục nghề, nên một bộ trang phục nam, nữ, tôi dệt chừng 2 ngày và được Sung trả công 600 nghìn đồng. Từ đó, tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống không cực khổ như trước”, chị Su bày tỏ.

Khởi nghiệp từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương mình, chị Sung không chỉ tạo thu nhập cho bản thân, mà còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 phụ nữ tại địa phương. Hăng say lao động bên những khung dệt, các chị em thôn Làng Teng, với sự tiếp sức, “truyền lửa” của chị Sung, đã “sống khỏe” với nghề và hun đúc thêm niềm tin, ý thức giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình.

Ý THU

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202308/phat-trien-nghe-det-tho-cam-o-lang-teng-6ed0fb5/