Phát triển năng lực cho phụ nữ trong nền kinh tế số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong kinh tế thị trường. Chiến lược chuyển đổi số mà Chính phủ đã phê duyệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cho chị em phụ nữ.

Chủ đề “Phụ nữ trong nền kinh tế số” được đưa ra cùng thảo luận tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Thúy Hạnh

Hiệu quả của chính sách chuyển đổi số ở nước ta hiện nay

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, định hướng, chính sách mạnh mẽ để triển khai chuyển đổi số trên toàn quốc. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có các định hướng quan trọng, đó là: Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó xác định 3 trụ cột trong chuyển đổi số Việt Nam: (1) chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước nhằm phát triển chính phủ số; (2) chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số; (3) chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số. Như vậy, để phục vụ người dân, lấy người dân là trung tâm, trách nhiệm của chúng ta là phải phát triển chính phủ số để người dân được phục vụ tốt hơn; phát triển kinh tế số để người dân được giàu hơn; phát triển xã hội số để người dân được hạnh phúc hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nước ta đã có bước khởi động chuyển đổi số cùng nhịp với thế giới. Đồng thời, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP của nước ta đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% năm 2022 và mục tiêu đến năm 2025 là 20%.

Chuyển đổi số tạo điều kiện cho phụ nữ

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cơ quan, tổ chức, xã hội. Trong đó, trao quyền năng và đảm bảo bình đẳng là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Sự tham gia chuyển đổi số của phụ nữ là không nhỏ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia của lao động nữ quý I năm 2023 là 62,9%, như vậy đóng góp về lực lượng lao động nói chung và chuyển đổi số nói riêng sẽ có tỷ lệ tương ứng.

Sự phổ cập của chuyển đổi số tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số hội nhập và phát triển. Ảnh: Thúy Hạnh

Tại hội thảo "Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và do phụ nữ làm chủ", do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 16/8/2022, tại Hà Nội; bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyển đổi số có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống. Khi sử dụng ứng dụng công nghệ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức và cá nhân. Đó là, mở rộng khách hàng lẫn thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất; doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác, kịp thời. Do vậy, muốn chuyển đổi số, trước hết phải thấu hiểu vấn đề của mỗi tổ chức và từng cá nhân, để giải quyết bằng ứng dụng công nghệ số. Với đức tính chịu khó, khả năng thích ứng cao, ứng xử mềm dẻo, thông minh và nhạy cảm với những vấn đề xung quanh, chính là những yếu tố quyết định đến thành công của phụ nữ trong nền kinh tế số.

Báo cáo mới nhất của Mastercard công bố tháng 3/2022 cho thấy, tỉ lệ doanh nhân nữ của Việt Nam chiếm 27%, đứng thứ 20/55 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Đây cũng là thế mạnh của phụ nữ khi tham gia vào thương mại điện tử, nhiều phụ nữ đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt, sử dụng tốt ứng dụng công nghệ để bán hàng. Như chị Đỗ Thị Vân ở Bắc Giang đã có livestream dài 40 phút bán tổng cộng 8 tấn vải thiều trên sàn thương mại điện tử Sendo vào tháng 6/2021; bà Lưu Thị Hò - Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp dịch vụ thương mại Po Mỷ (Hà Giang) quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Bà cho biết, chỉ 45 phút livestream bán hàng qua phiên “Chợ đêm trên mây”, hợp tác xã đã tiếp nhận 40 đơn hàng, với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn. Cùng với bán lẻ qua sàn, các tổ chức và cá nhân có thể làm các sàn B2B (bán buôn) để tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, phụ nữ cũng gặp những rào cản, thách thức khi tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số. Tỷ lệ nữ theo học các ngành STEM và khoa học máy tính còn thấp so với nam giới (chỉ chiếm khoảng 20% bằng khoa học máy tính ở cấp cử nhân); phụ nữ đang phải gánh vác nhiều công việc gia đình nên khó dành toàn tâm, toàn lực cho công tác chuyên môn công nghệ.

Trước những thời cơ và thách thức mà chuyển đổi số mang lại, để thích ứng với thời đại công nghệ số, kinh tế số, mỗi chị em phụ nữ cần nỗ lực, vượt qua chính mình, tự trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh.

Chuyển đổi số đã tạo ra nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cho chị em phụ nữ, giúp chị em được nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo, cũng như tìm kiếm cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình khởi nghiệp thành công và hội nhập phát triển.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-nang-luc-cho-phu-nu-trong-nen-kinh-te-so-post464574.html