Phát triển mô hình gia trại ở Đồng Tâm

Bắc Quang có địa hình tương đối bằng phẳng, với diện tích đất nông nghiệp lớn, thổ nhưỡng tốt, nhiều ao, hồ, sông, suối, cùng với sự đổi mới trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân, giúp các hộ hình thành nên những vùng kinh tế tổng hợp. Trong đó, nổi bật là xã Đồng Tâm đã đẩy mạnh phát triển kinh tế theo quy mô gia trại, tạo công việc ổn định trên những mảnh vườn, đồi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo đà phát triển kinh tế của địa phương.

Vườn cam của anh Trần Văn Lợi (phải) thôn Nậm Tuộc trĩu quả.

Vườn cam của anh Trần Văn Lợi (phải) thôn Nậm Tuộc trĩu quả.

Xã Đồng Tâm từ lâu được biết đến là vùng đất phát triển đa dạng về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, trồng rừng… Nơi đây, sản sinh ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, được người sử dụng lựa chọn, tin dùng. Nhiều gia đình đẩy mạnh phát triển gia trại mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống, nổi bật là gia đình anh Trần Văn Lợi, thôn Nậm Tuộc, với diện tích 3 ha trồng 1.400 gốc cây cam Sành, cam Vàng theo tiêu chuẩn VietGap cho sản lượng 47 tấn/năm, với giá giao động từ 4.500 – 25.000 đồng/kg, tùy từng loại, từng thời điểm của mùa vụ. Bên cạnh đó, anh còn nuôi thêm 300 con gà Ri, 200 con vịt Bầu chăn thả ngay dưới tán cây cam; ao nuôi với diện tích mặt nước 3.000 m², thả nhiều loại cá như: Trắm, Rô phi, Chép, Lăng, Nheo… lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/năm. Anh Lợi tâm tình: Hiện nay, các sản phẩm từ nông nghiệp của gia trại được bạn hàng, thực khách đánh giá cao về chất lượng sản phẩm; trong quá trình chăn nuôi gia cầm, thủy sản không sử dụng các chất tăng trưởng, tạo nạc ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng; cây ăn quả luôn sử dụng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc có nguồn gốc thảo dược. Thời gian tới, sẽ mở rộng thêm quy mô gia trại, tăng sản lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Anh Trương Văn Đồng, thôn Pha chăm sóc đàn trâu.

Anh Trương Văn Đồng, thôn Pha chăm sóc đàn trâu.

Anh Trương Văn Đồng, thôn Pha, là đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế theo mô hình gia trại ở địa phương, trồng cây gỗ lớn với diện tích 34 ha keo, anh thường xuyên tỉa bán cây hàng năm; dự kiến 3 năm tới sẽ cho khai thác; cam Sành VietGap được trồng với diện tích 2,5 ha, cho sản lượng 30 tấn/năm. Ngoài ra, anh còn nuôi 10 con trâu sinh sản và vỗ béo, với giá dao động từ 25 – 50 triệu đồng/con; trồng 5 ha cỏ Voi làm thức ăn xanh cho trâu, giúp tiết giảm được nhiều chi phí… Doanh thu mỗi năm đạt 135.000 triệu đồng. Anh Đồng chia sẻ: Với suy nghĩ là đảng viên phải đi trước trong mọi lĩnh vực, nói được, làm được thì quần chúng nhân dân mới tin tưởng nghe và làm theo, nhất là trong phát triển kinh tế. Tôi là người ham học hỏi, luôn muốn hoàn thiện hơn nữa trong cách phát triển quy mô gia trại, nên thường xuyên lên mạng nghiên cứu những cách làm hay, sáng tạo để trau dồi kiến thức của bản thân. Thấy mô hình phát triển gia trại của tôi thành công, mang lại thu nhập ổn định, nhiều hộ dân ở trong và ngoài xã cùng tìm đến học hỏi cách làm; vốn là người đi lên từ gian khó, mến những người có chí hướng làm giàu, tôi chia sẻ hết những kinh nghiệm từ thực tiễn.

Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, Triệu Giàu Lìn cho biết: Mô hình kinh tế gia trại đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ trên địa bàn, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, để các hộ tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất. Cán bộ chuyên môn nông nghiệp thường xuyên xuống kiểm tra sự phát triển của cây trồng, vật nuôi; ngoài ra, liên kết với các siêu thị lớn khu vực miền Bắc, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thời gian tới, sẽ triển khai thêm 1 số cây trồng, vật nuôi mới, giúp hình thành đa dạng các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu địa phương, tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế của người dân.

Bài, ảnh: ĐỨC NINH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202108/phat-trien-mo-hinh-gia-trai-o-dong-tam-780052/