Phát triển KT khu vực phi nông nghiệp: Một giải pháp để xây dựng nông thôn mới hiệu quả

KTNT - Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 trình Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Thực tế thấy, phát triển kinh tế khu vực phi nông nghiệp chính là lời giải cho bài toán công nghiệp hóa, hiện địa hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, vai trò của phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn bao gồm công nghiệp và dịch vụ là rất quan trọng. Sự phát triển đó có tác dụng tạo việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn; phát triển thị trường nông thôn, tăng giá trị gia tăng cho nông nghiệp. Khu vực kinh tế phi nông là cầu nối giữa nông nghiệp hàng hóa (thường đứng trong sự mâu thuẫn giữa tăng năng suất và giảm giá) và sinh kế tạo ra trong công nghiệp và dịch vụ đô thị. Hơn một nửa thu nhập ở nông thôn là từ phi nông nghiệp nên nó là cái thang để từ không có việc làm đến có việc làm thường xuyên trong kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong công nghiệp nông thôn thời gian qua không đáp ứng được yêu cầu của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và kinh tế nông thôn. Nhìn chung sản xuất còn lạc hậu, phát triển không đồng đều giữa các vùng và trong từng lĩnh vực; năng suất, chất lượng, hiệu quả không cao. Hạn chế của công nghiệp nông thôn đã bộc lộ rõ nét trong cơ cấu kinh tế ít chuyển đổi; công nghiệp, ngành nghề nông thôn phát triển chậm; lao động thiếu việc làm, tỷ trọng lao động thủ công trong chế biến nông sản quá cao, hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm thấp; cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông sản hàng hóa. Trong nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm, ngư nghiệp), lao động vẫn tập trung chủ yếu làm trồng trọt với sản lượng tạo ra chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất. Cơ cấu kinh tế nông thôn ở nước ta không những lạc hậu, chậm chuyển đổi mà còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng và nhiều địa phương: vùng Đông Nam Bộ, số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm 64%, Tây Bắc 93%, Bắc Trung Bộ 82%, Tây Nguyên trên 91%... Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở nông thôn tuy được coi trọng trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng nhưng đến nay vai trò trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vẫn chưa rõ nét, những nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện, nhất là về tài chính và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng có nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Trong tổng số trên 1,35 triệu hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn có số lao động bình quân 4-5 người/đơn vị, quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu kinh tế hộ gia đình là phổ biến; số cơ sở với lao động thường xuyên chừng 20 người trở lên chỉ chiếm 3%... Thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nước ta hiện nay là việc chuyển lao động ra khỏi nông nghiệp để tăng năng suất lao động và tăng thu nhập của nông dân. Không thể chỉ đợi cho công nghiệp hiện đại ở đô thị và ở các khu công nghiệp thu hút lao động, hay trông đợi vào việc di dân hay xuất khẩu lao động. Cần phải phát động một phong trào phát triển khu vực phi nông nghiệp ở nông thôn để làm giảm nhanh lao động trong nông nghiệp. Kinh nghiệm của các vùng năng động ở châu thổ sông Hồng cho thấy, việc phát triển cụm công nghiệp từ các làng nghề truyền thống là hướng phát triển có nhiều triển vọng. Lịch sử phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam đã cho thấy bên cạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có nhiều hoạt động phi nông nghiệp cùng tồn tại. Các hoạt động này đã hình thành các làng nghề sản xuất như đan lát, đồ gỗ, cơ khí, dệt may... Tùy theo điều kiện và đặc điểm của mỗi địa phương, mỗi làng nghề có sự phát triển khác nhau. Mỗi làng nghề thường lựa chọn cho mình một nghề nhất định với một vài loại sản phẩm điển hình và được truyền từ đời này sang đời khác. Việc phát triển các cụm công nghiệp cho thấy, trong nền kinh tế thị trường không những cần sự cạnh tranh mà còn cần sự hợp tác tương trợ. Sự hình thành các cụm công nghiệp làng nghề trong vùng là kết quả tổng hợp của các nhân tố cả về lịch sử, kinh tế, chính trị, thể chế và đặc biệt là nhu cầu thị trường. Những mô hình thực hiện thành công đã đóng góp không chỉ vào tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà quan trọng là tạo cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc như tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng vạn lao động, hàng triệu cư dân nông thôn, giảm bớt nạn di dân từ nông thôn về các đô thị lớn. GS.VS. Đào Thế Tuấn (Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/laodonghuongnghiep/2010/10/25204.html