Phát triển kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững

Sáng 17/4, Báo Điện tử VOV tổ chức 'Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh'. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Tổng giám đốc VOV, trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hóa" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhận định: Cam kết của Việt Nam về tăng trưởng xanh giúp nâng cao vị thế quốc tế, thu hút đầu tư và quan hệ đối tác nước ngoài. Giai đoạn 2017-2021, khoảng 9 tỷ USD vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Về xếp hạng quốc tế, theo Chỉ số tăng trưởng xanh ấn bản năm 2023, Việt Nam xếp thứ 73/245 quốc gia và thứ 16/50 quốc gia ở châu Á, với điểm chỉ số là 56,44. Việt Nam đã thực hiện tốt các khía cạnh bảo vệ vốn tự nhiên và hòa nhập xã hội nhưng phải đối mặt với những thách thức về khía cạnh hiệu quả tài nguyên và các cơ hội kinh tế xanh. Theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai Xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và chính sách khí hậu.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

Kinh tế xanh ở Việt Nam tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (2% tổng GDP) với đà tăng trưởng vững chắc (10-13%/năm trong giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% là từ hoạt động nông lâm nghiệp, 14% là từ hoạt động công nghiệp và 17% là từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng.

Theo ước tính, năm 2020, nền kinh tế xanh góp phần tạo ra hơn 400 nghìn việc làm, trong đó hơn một nửa đến từ các hoạt động nông, lâm nghiệp xanh và công nghệ cao (33%) và hoạt động công nghiệp (28%) - chủ yếu là sản xuất thiết bị, máy móc, phụ tùng phục vụ sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Tuy nhiên, số lượng việc làm được tạo ra từ các hoạt động kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn (1,1% tổng số việc làm quốc gia) so với các nước dẫn đầu (3,3% ở Pháp vào năm 2020 và 6,7% ở Trung Quốc vào năm 2022).

Theo ông Thọ, một số giải pháp phát triển kinh tế xanh có thể được kể đến như:

Tăng cường phối hợp liên cơ quan để đảm bảo tính nhất quán và sức mạnh tổng hợp trong các chính sách tăng trưởng xanh, từ đó giảm xung đột và hợp lý hóa các nỗ lực, cả ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

Phát triển các cơ chế tài chính đổi mới như trái phiếu xanh, ưu đãi đầu tư và quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh. Tăng cường đầu tư công và tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, như nhà máy điện mặt trời, trang trại gió, hệ thống quản lý chất thải và sáng kiến phủ xanh đô thị. Tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho các sáng kiến tăng trưởng xanh, như tiếp cận tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.

Tăng cường các cơ chế quản lý và hệ thống giám sát để đảm bảo tuân thủ các chính sách tăng trưởng xanh và buộc các đơn vị không tuân thủ phải chịu trách nhiệm. Xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, mạch lạc cho tăng trưởng xanh, đặc biệt là hệ thống phân loại xanh hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng và theo đó có các cơ chế chính sách hỗ trợ như khuyến khích đầu tư xanh, chương trình thí điểm xanh.

Tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường và thực hành bền vững thông qua các tuyên truyền, giáo dục (năng lượng sạch, giảm chất thải) và sự tham gia của cộng đồng (thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng).

Như Loan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-huong-den-phat-trien-ben-vung-d213257.html