Phát triển kinh tế tuần hoàn vùng biên

Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng khá phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Sự xuất hiện những mô hình kinh tế tuần hoàn đã đem lại giá trị không chỉ với người sản xuất mà còn đặt nền móng cho sự phát triển mới, hướng đến nông nghiệp bền vững.

Những năm gần đây, nhiều trang trại, nông hộ trên địa bàn huyện biên giới Lộc Ninh đã áp dụng cách làm kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh giá nông sản bấp bênh, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Diễn biến phức tạp của khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, tình hình sản xuất của nông dân xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều diện tích hồ tiêu, cây ăn trái, hoa màu bị mất trắng. Đứng trước khó khăn này, nhiều người đã quyết định bỏ đất hoang đi làm công nhân, tuy nhiên có người đã lựa chọn vươn lên từ mô hình kinh tế tuần hoàn.

Anh Lưu Văn Thành ở ấp Bù Linh, xã Lộc Phú là nông hộ đang áp dụng mô hình vườn - chuồng. Anh tận dụng phế, phụ phẩm trong trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi gia súc; chất thải từ chăn nuôi được ủ với men vi sinh làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Hộ anh Lưu Văn Thành ở ấp Bù Linh, xã Lộc Phú áp dụng mô hình vườn - chuồng, tận dụng phế, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi; chất thải từ chăn nuôi được ủ làm phân bón hữu cơ cho cây tiêu

Hiện gia đình anh Thành có gần 3.000 nọc tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ đang thu hoạch năm thứ 6 và nuôi hơn 100 con dê vừa thịt vừa làm giống. Thức ăn cho dê phần lớn sẵn có trong vườn như lá cây keo làm trụ tiêu, cỏ trồng quanh vườn và nhiều loại cây khác. Chất thải chăn nuôi được xử lý để bón cho cây tiêu. Nhờ đó đã giúp gia đình anh Thành giảm 50% tiền mua phân bón và tạo ra sản phẩm tiêu sạch.

Xã Lộc Phú hiện có tổng đàn dê gần 32.000 con; hơn 2.500 ha cây trồng, phần lớn là hồ tiêu với 840 ha. Đây là một trong những xã có thế mạnh về cây hồ tiêu của Lộc Ninh. Tuy nhiên, do hồ tiêu rớt giá kéo dài cộng thêm chi phí phân bón liên tục tăng cao khiến những hộ chuyên canh bị thua lỗ. Vì vậy, nhiều nông dân đã tìm cho mình hướng đi mới, đó là trồng tiêu kết hợp chăn nuôi dê, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để thực hiện mô hình theo chu trình khép kín một cách hiệu quả.

Ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú cho biết: “Hiện người dân trên địa bàn xã đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc đàn dê, ủ phân dê để bón cho cây tiêu. Cách làm này không chỉ giảm chi phí trong sản xuất mà còn nâng cao chất lượng hạt tiêu, giảm ô nhiễm môi trường. Từ lợi ích đem lại, mô hình ngày càng được nhân rộng”.

Trang trại chăn nuôi bò, dê và trồng cỏ của hộ anh Lưu Văn Bình ở ấp 54, xã Lộc An là một trong những mô hình kinh tế mới được áp dụng thành công trên địa bàn. Chủ trang trại đã chú trọng 3 yếu tố: giống mới, xử lý môi trường và tận dụng nguồn chất thải, phế phụ phẩm để tái sử dụng hiệu quả. Hiện trang trại có 1.100 con dê và 100 con bò giống 3B. Để thực hiện mô hình này, anh Bình đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng xây dựng chuồng trại với tổng diện tích 3.500m2, chuồng chia thành 5 gian sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo môi trường. Xung quanh, anh cải tạo đất trồng cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi.

Hằng ngày, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được anh xử lý bằng cách kết hợp các thành phần, gồm: men, mùn cưa, trấu, cám gạo… để khử hoàn toàn mùi hôi, sau đó đem bón cho cỏ, cây ăn trái. Khi được thu hoạch, loại cây trồng này làm thức ăn chính cho bò, dê. Theo anh Bình, từ khi áp dụng mô hình này, hiệu quả kinh tế thấy rõ. Năm 2022, anh đã xuất bán hơn 50 tấn dê thịt và 30 tấn bò thịt, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Anh Bình chia sẻ: Trước đây, khi chưa áp dụng mô hình này, tôi vệ sinh chuồng hằng ngày, nhưng vẫn có mùi hôi. Sau đó, tôi đã học hỏi một số mô hình đệm lót, áp dụng thực tế và thấy hiệu quả.

Thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Thực tế cho thấy, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã gắn kết các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, mỗi đối tượng là một mắt xích trong chuỗi tuần hoàn, mục tiêu là giảm nguyên liệu đầu vào. Người nông dân tùy điều kiện sản xuất để lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi với quy mô phù hợp chuỗi vận hành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Thị Ánh Tuyết (áo vàng) cùng các lãnh đạo huyện đi thực tế khảo sát mô hình nông nghiệp của người dân

Huyện biên giới Lộc Ninh hiện có hơn 481.000 con heo với 100 trang trại; 81.500 con dê; 14.200 con trâu, bò và hơn 1 triệu con gia cầm. Tận dụng lợi thế, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn mà nhiều gia trại, nông hộ trên địa bàn cũng đã phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn. Điển hình có các mô hình: nuôi dê - trồng tiêu; nuôi bò, dê - trồng cỏ; vườn - chuồng - biogas; sản xuất tổng hợp nuôi dê, gà - trồng tiêu, cỏ, cây ăn trái… đã mang lại đa giá trị cho người nông dân.

Để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Ninh tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân, đồng thời cùng nông dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nông hộ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giúp ổn định kinh tế. Đồng thời, rà soát các mô hình thực tế của người dân, ưu tiên tập huấn và nhân rộng những mô hình hiệu quả, tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh LÊ THỊ ÁNH TUYẾT

Ông Phan Huy Hân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh cho biết: “Trung tâm đã thực hiện các mô hình trình diễn về nông nghiệp tuần hoàn, trong đó hướng dẫn nông dân các quy trình kỹ thuật, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp an toàn, vệ sinh. Một trong những mô hình hiệu quả đó là sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi tạo môi trường vệ sinh sạch sẽ, dùng các chế phẩm sinh học để ủ thức ăn chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi an toàn. Qua đó, giúp nông dân phát triển chăn nuôi cũng như nông nghiệp bền vững”.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đã khẳng định những thành công bước đầu, hiệu quả sản xuất được nâng lên và đặc biệt chất thải ra môi trường giảm đáng kể. Lộc Ninh tiếp tục định hướng thúc đẩy nông nghiệp vùng biên phát triển bền vững, gắn với bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 phải “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Thanh Tuyền - Thu Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/145854/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-vung-bien