Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Sau gần 3 năm thực hiện 'Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030' đã đạt kết quả tích cực: Nhiều diện tích rừng được trồng mới; thu hút đầu tư dự án phát triển kinh tế rừng; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng...

Người dân xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) nhận cây giống trồng rừng năm 2023. Ảnh: Nhật Phương

Phát triển kinh tế lâm nghiệp, huyện Mường Ảng chú trọng công tác trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Khởi điểm từ năm 2015, huyện Mường Ảng trồng 360ha rừng sản xuất tại các xã: Mường Lạn, Mường Ðăng, Ẳng Cang, Ẳng Tở, Xuân Lao, Búng Lao. Kết thúc mùa trồng rừng năm 2023, toàn huyện đã nâng tổng diện tích rừng trồng mới lên hơn 1.300ha. Giống cây lâm nghiệp huyện Mường Ảng lựa chọn là cây keo.

Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Huyện Mường Ảng đã nghiên cứu, khảo sát nhận thấy cây keo phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên lựa chọn đưa vào các dự án trồng rừng sản xuất trên địa bàn. Nhiều năm nay, huyện Mường Ảng luôn là đơn vị tiên phong và hoàn thành kế hoạch trồng rừng hàng năm của tỉnh. Ðể đạt mục tiêu, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để thực hiện kế hoạch trồng rừng. Chính quyền các xã, cơ quan chuyên môn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng. Ðến nay, diện tích rừng sản xuất trồng từ năm 2015 đã có thể khai thác gỗ. Hiện có nhiều thương lái đến địa bàn đặt vấn đề thu mua gỗ keo tại các xã. Năm 2023, huyện Mường Ảng hoàn thành 55/55ha kế hoạch trồng rừng. Hiện nay, huyện Mường Ảng tiếp tục vận động, khuyến khích người dân trồng rừng, tạo tiền đề để thu hút các nhà doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.

Năm 2023, xã Ẳng Cang được giao kế hoạch trồng mới 30ha rừng phòng hộ. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã tổ chức rà soát, khảo sát diện tích đất lâm nghiệp, nhu cầu trồng rừng tại các bản trên địa bàn. Ðồng thời tổ chức nhiều cuộc họp dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác trồng rừng đồng thời vận động Nhân dân đăng ký trồng rừng. Trên cơ sở đăng ký của người dân, xã Ẳng Cang đã lựa chọn trồng rừng tại 3 bản: Hua Nặm, Pú Cai và Pá Liếng. Ðến hết tháng 7/2023, xã Ẳng Cang đã hoàn thành 100% kế hoạch trồng rừng năm 2023.

Huyện Mường Nhé hiện có hơn 125.000ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm trên 80% diện tích tự nhiên), riêng diện tích đất trống chưa có rừng trên 43.000ha, thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện Ðề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững tỉnh Ðiện Biên, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Mường Nhé đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/HU về “Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, tập trung 3 nội dung chính: Trồng rừng; thu hút đầu tư các dự án lâm nghiệp và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Mường Nhé đã trồng được 5.403 cây phân tán tại 9/11 xã. Lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các dự án trồng cây lâm nghiệp đa mục đích với tổng diện tích đã trồng là 774,7ha gồm: 65,08ha cây dổi xanh tại 8/11 xã; 507,53ha cây quế tại 10/11 xã; 202,1ha cây sa nhân tại 9/11 xã. Bên cạnh đó, huyện Mường Nhé duy trì chăm sóc và khai thác 1.218ha cây cao su. Ðến nay, huyện Mường Nhé đã thu hút được 1 dự án đầu tư vào phát triển lâm nghiệp là Dự án trồng mắc ca Công nghệ cao của Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc. Tổng diện tích mắc ca đã trồng là 452,22ha. Ngoài ra, có 3 nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án về trồng rừng và du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, trồng nấm, dược liệu và chế biến lâm sản.

Sín Thầu là xã có diện tích sa nhân tím dưới tán rừng lớn nhất huyện Mường Nhé. Ðến nay, nhiều diện tích sa nhân đã cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Anh Sừng Ta Há, bản Pờ Nhù Khồ cho biết: Năm 2021, gia đình tôi đã trồng gần 1,5ha sa nhân hiện nay đã cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt mỗi năm thu khoảng 2 tấn quả, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Ðể phấn đấu hoàn thành mục tiêu Ðề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, thời gian tới huyện Mường Nhé tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp chưa có rừng; tập trung quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa sạng sinh học để người dân được hưởng lợi từ rừng. Ðồng thời, huyện đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai các dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/210487/phat-trien-kinh-te-lam-nghiep-ben-vung