Phát triển HTX nuôi trồng thủy sản để giảm nghèo bền vững

Nuôi trồng thủy sản đã trở thành phương thức sản xuất mang lại hiệu quả cao cho người dân tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, HTX trở thành 'điểm tựa' để người nông dân gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản nhờ được hỗ trợ từ khâu đầu vào cho đến đầu ra, giúp mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, sự phát triển của các HTX nuôi trồng thủy sản vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, các HTX kiến nghị cần sự hỗ trợ về vốn để mở rộng quy mô cũng như đáp ứng quy trình ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản...

Người dân chỉ cần sản xuất, bao tiêu đã có HTX lo

Những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trong đó có nhiều mô hình HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả.

Mô hình nuôi cá hữu cơ tại HTX nuôi trồng thủy sản Hợp Thành, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Mô hình nuôi cá hữu cơ tại HTX nuôi trồng thủy sản Hợp Thành, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hợp Thành, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương chia sẻ, HTX được thành lập tháng 6/2016. Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tiến hành lựa chọn, bầu những thành viên có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản lâu năm vào các tổ bảo nông, tổ sản xuất giống, tổ tiêu thụ sản phẩm để thực hiện tốt các khâu dịch vụ.

Hiện, HTX có gần 100 ha nuôi thủy sản với 30 hộ thành viên, tạo việc làm cho gần 100 lao động. Nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, doanh thu bình quân đạt 3 tỷ đồng/năm.

Sau khi trừ chi phí, thu nhập của các thành viên đạt từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Theo các thành viên, HTX được thành lập chính là cầu nối để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về nguồn giống, nguồn thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, người nuôi trồng thủy sản tại địa phương làm quen với phương thức sản xuất tập trung, liên kết và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thơm cho biết, không chỉ hỗ trợ người dân về kỹ thuật nuôi thả, hình thành tập quán sản xuất thủy sản mới, HTX còn đẩy mạnh cung ứng, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX đã góp phần hình thành tư duy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng các biện pháp thâm canh cho người dân. Đến nay, cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế.

“Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ trong xã nuôi trồng thủy sản theo kiểu truyền thống, giá trị mang lại không cao, cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Tuy nhiên, từ ngày chúng tôi tham gia vào HTX thì rất yên tâm vì có HTX làm “điểm tựa” trong các khâu cung cấp giống, điều hành nước, các hộ thành viên thiếu vốn còn được mua giống, thức ăn theo hình thức trả chậm và sản phẩm được HTX thu mua tiêu thụ ổn định”, một thành viên HTX chia sẻ.

Tạo liên kết, tăng hiệu quả kinh tế

Với cách làm bao tiêu từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm cho các thành viên và người dân, nhiều HTX đã mang lại sự yên tâm để bà con nông dân mong muốn tham gia và gắn bó với HTX. Trong đó, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Quảng Chính (huyện Quảng Xương) là một điển hình.

Với mô hình sản xuất quy mô diện tích 176 ha nuôi trồng thủy sản theo phương thức hữu cơ nuôi cá bống, cá sú, cua xanh…, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Quảng Chính đã tạo được sự liên kết, thống nhất giữa các hộ thành viên từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Bá Thảo, Giám đốc HTX cho biết, mô hình nuôi trồng theo phương thức hữu cơ rất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên và người nuôi trồng thủy sản trong xã.

Để các thành viên và người dân yên tâm nuôi trồng thủy sản, không còn lo tình trạng “được mùa mất giá”, HTX chịu mọi trách nhiệm với thành viên từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng nên có giá trị cao. Thậm chí, các hộ thành viên thiếu vốn còn được mua giống, thức ăn theo hình thức trả chậm.

Bên cạnh đó, HTX còn có chính sách hỗ trợ cho các thành viên không may gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, các thành viên được hưởng chế độ bảo hiểm nên rất yên tâm gắn bó với HTX.

Ông Thảo chia sẻ, HTX đã ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất thức ăn và chế phẩm sinh học để phục vụ bà con nông dân. Hàng năm, HTX kết hợp với Liên minh HTX tỉnh, trường Cao đẳng nghề nông nghiệp mở các lớp học chẩn đoán nhanh về dịch bệnh nuôi trồng thủy sản, cách nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ.

Hiện nay, HTX có 168 thành viên với hơn 300 lao động thường xuyên và 200 lao động thời vụ. Sản lượng bình quân của HTX đạt 150 - 170 tấn thủy sản/năm, doanh thu đạt 35 – 37 tỷ đồng/năm, tăng mỗi năm 10-15%.

Cần thêm chính sách để thúc đẩy HTX nuôi trồng thủy sản phát triển

Từ những mô hình HTX nuôi trồng thủy sản làm ăn hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 19.500 ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 8.000 ha vùng triều tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP. Sầm Sơn... Trong đó, có hơn 10 HTX nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn làm ăn hiệu quả. Mỗi HTX có quy mô liên kết từ vài chục đến hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản. Các HTX ngoài tạo sự liên kết giữa các hộ dân với nhau, còn là “bà đỡ” giúp người dân thoát nghèo, vươn lên ổn định phát triển kinh tế.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đánh giá, phát triển HTX thủy sản chính là một hướng đi mới để định hướng cho người dân hợp tác phát triển nghề thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và giảm nghèo bền vững.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang tiếp tục phát triển ổn định về diện tích, đẩy mạnh phát triển, chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là những loài có giá trị kinh tế cao, như: tôm, cua, ngao... góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, mô hình HTX chính là một hướng đi mới để định hướng người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững. Đặc biệt, các HTX còn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Các HTX ngoài tạo sự liên kết giữa các hộ dân với nhau, còn là đầu mối ký kết hợp đồng dịch vụ từ đầu vào đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đồng thời giúp các hộ dân tiếp cận chính sách của Nhà nước thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, sự phát triển của các HTX nuôi trồng thủy sản chưa đạt được như kỳ vọng. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, các ban, ngành trong tỉnh thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX nuôi trồng thủy sản nói riêng phát triển.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/phat-trien-htx-nuoi-trong-thuy-san-de-giam-ngheo-ben-vung-1094024.html