Phát triển hệ thống y tế Thủ đô ngày càng hiện đại

Thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu quy định một số chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống y tế Thủ đô ngày càng hiện đại. Ảnh minh họa.

Nỗi khổ chờ đợi

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều đổi mới, chất lượng không ngừng được nâng cao. Thành phố đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc; có Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, y tế cơ sở được hình thành gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình.

Song, khảo sát tại các bệnh viện, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến.

Không chỉ bệnh viện đa khoa hạng 1 gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, mà ngay ở tuyến dưới, nhân lực y tế còn thiếu và yếu. Tỷ lệ bác sĩ của thành phố/ 1 vạn dân còn thấp. Đặc biệt, các trạm y tế cấp xã ở nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế, trong khi 10 cán bộ y tế chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000-15.000 dân. Các quy định về bảo hiểm y tế, chế độ chi trả khám chữa bệnh, định mức kinh phí còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Cơ chế quản lý, hoạt động các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa phát huy tính tự chủ, trách nhiệm, phát huy tốt nguồn nhân lực của ngành Y tế.

Kỳ vọng ở chính sách đặc thù

Trước những bất cập trên, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Một số điểm đáng lưu ý là, theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ sở khám, chữa bệnh công lập của thành phố được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa để duy trì hoạt động thường xuyên; cơ chế phát triển y học gia đình để có cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến cơ sở; phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện... Công tác khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô với kinh phí được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp.

Theo đó, về cơ chế phát triển khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, các bác sĩ gia đình sẽ phụ trách hồ sơ sức khỏe, nắm được tình hình sức khỏe của từng người dân, toàn diện và liên tục, nhằm phát hiện sớm, xử lý sớm các vấn đề bệnh tật. Đồng thời, đây là nơi tư vấn, cấp cứu, khám chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình. HĐND thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện.

Mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Đồng thời, UBND thành phố có lộ trình phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện, có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình, tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về giá dịch vụ. Vì vậy, việc quy định dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện, khám, chữa bệnh theo y học gia đình bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng của lĩnh vực bảo hiểm.

Đánh giá về những đổi mới nêu trên, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, việc sử dụng quỹ bảo hiểm để thanh toán khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện là một giải pháp vừa có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh Thủ đô, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Vì khi bảo hiểm y tế chi trả cho việc khám chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện kịp thời cấp cứu vào “thời điểm vàng” của bệnh nhân, như vậy, sẽ giảm rất nhiều chi phí khám bệnh, chữa bệnh sau này - ông Lê Quang Vững nhấn mạnh.

Trưởng ban Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Lê Văn Phúc tán thành sự cần thiết quy định một số chính sách đặc thù giúp phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình. Ngoài mô hình y học gia đình, cần tạo cơ chế chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến cận kề không đảm nhiệm được.

Đồng tình với chủ trương này, song GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y khuyến nghị: Cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô. Cùng với đó là quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hợp lý; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-he-thong-y-te-thu-do-ngay-cang-hien-dai-649052.html