Phát triển giao thông xanh

Với mục tiêu cải thiện môi trường giao thông, đảm bảo người dân và du khách di chuyển an toàn, thoải mái và thuận lợi bằng xe đạp, TP. Huế tái khởi động hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng (CSCC) tại khu vực trung tâm thành phố và đặt mục tiêu từ tháng 9/2024 sẽ vận hành khoảng 1.000 xe đạp tại 30 trạm xe.

Người dân dùng ứng dụng để sử dụng xe đạp chia sẻ công cộng. Ảnh: Ngọc Hòa

Sau khi tham quan các lăng tẩm ở khu vực bờ nam sông Hương và lưu trú ở một khách sạn nằm trên đường Đội Cung, buổi sáng thức dậy cả gia đình chị Nguyễn Hà Vy, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh dạo bộ đến bãi xe ở bến thuyền Tòa Khâm và bắt đầu tour trải nghiệm các địa điểm du lịch trong khu vực nội thành bằng phương tiện xe đạp CSCC.

“Thật dễ chịu và nhẹ nhàng khi cả gia đình cùng đạp xe qua các tuyến đường trung tâm, ghé vào chợ Đông Ba mua sắm và tham quan Đại Nội. Thay vì di chuyển bằng phương tiện xe taxi hoặc xe xích lô như trước, giờ đây mình chọn xe đạp và thấy khá thuận tiện, an toàn và thú vị”, chị Hà Vy chia sẻ.

Hệ thống xe đạp CSCC tại Huế được triển khai dựa trên nội dung biên bản ghi nhớ giữa UBND TP. Huế với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Công ty CP Vietsoftpro nhằm hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững và thành phố thông minh, bắt đầu vận hành ngày 5/6/2022, với 7 trạm và hơn 80 xe. Dự án chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (từ tháng 6 -12/2022) đã thực hiện thí điểm tuyến xe đạp CSCC thông minh trong thành phố với 7 trạm đặt hai bên bờ sông Hương và trong khu vực Đại Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trương Đình Hạnh, qua đánh giá giai đoạn 1 đã có 12.000 lượt sử dụng xe đạp; trong tháng 6/2022 sau khi khai trương, số lượt mượn xe trung bình là 2,1 lượt/1 xe/1 ngày; khách hàng của dịch vụ bao gồm cả du khách và người dân địa phương, học sinh, sinh viên.

Xe đạp CSCC giúp người dân và du khách di chuyển đến các địa điểm tham quan du lịch thuận tiện, an toàn

Tuy nhiên, quá trình hoạt động thí điểm cũng đã bộc lộ một số khó khăn, như số lượng khách sử dụng dịch vụ giảm rõ rệt trong mùa mưa; các trạm xe đang đặt ngoài trời trong điều kiện thời tiết tương đối khắc nghiệt đã ảnh hưởng chất lượng xe dẫn đến chi phí bảo dưỡng, sửa chữa cao; số lượng xe và số lượng trạm còn ít, hạn chế khách sử dụng ra những khu vực xa hơn... Đặc biệt, khóa thông minh sử dụng công nghệ 2G không còn phù hợp và ứng dụng (app) của hệ thống chưa hoàn thiện đã gây trở ngại trong việc vận hành chung.

Sau thời gian bảo dưỡng, nâng cấp, đến nay 7 trạm xe đạp đã đưa vào hoạt động trở lại kể từ ngày 12/1/2024. Công ty CP Vietsoftpro và các đơn vị đã hoàn thiện xong phần mềm, trang bị thêm hệ thống khóa 4G và đã triển khai việc lắp đặt hệ thống khóa mới lên xe đạp nên thành phố tái khởi động hệ thống xe đạp CSCC tại khu vực trung tâm thành phố. Với 200 xe đạp tại 7 trạm xe sẵn có, hệ thống xe đạp CSCC sẽ đi vào hoạt động ổn định, bền vững, góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch thể thao trải nghiệm, hấp dẫn. Đồng thời, lan tỏa phong trào đi xe đạp trong cộng đồng dân cư, đồng thời phát triển giao thông xanh và xây dựng “Huế trở thành thành phố xe đạp”.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, thành phố đặt mục tiêu đến tháng 6/2024 sẽ vận hành khoảng 600 xe đạp tại 20 trạm xe, từ tháng 9/2024 sẽ vận hành khoảng 1.000 xe đạp tại 30 trạm xe, đồng thời sẽ triển khai các tuyến đường ưu tiên dành cho xe đạp, điều phối các trạm xe theo hướng mở rộng và đặt tại các vị trí trung tâm, gần công viên nhằm đảm bảo sự tiện lợi cho người dân và du khách sử dụng.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/phat-trien-giao-thong-xanh-137412.html