Phát triển du lịch Sông Moóc – Bình Liêu (Quảng Ninh)

Sông Moóc là bản vùng cao của xã Đồng Văn, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) khoảng 30km. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt và thác Sông Moóc hoang sơ, kỳ vĩ. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị du lịch nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Sông Moóc là bản vùng cao của xã Đồng Văn, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) khoảng 30km. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt và thác Sông Moóc hoang sơ, kỳ vĩ. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị du lịch nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Thác Sông Moóc.

Sông Moóc có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, nét kiến trúc bản địa truyền thống độc đáo. Điểm nhấn ở đây là thác Sông Moóc cao trên 10m cùng hệ thống bãi đá kỳ vĩ hơn 4.000m2 với các tảng đá to, nằm dưới chân thác, tạo nên không gian rộng lớn, hùng vĩ. Mặc dù đã được đầu tư khá đầy đủ về điện, đường, trường, trạm..., nhưng đoạn đường dẫn vào thác dài chừng 400m chưa được xây dựng. Do đó muốn đến thác, mọi người phải đi chênh vênh trên những đường mương thủy lợi chỉ rộng 20cm, rậm rạp cỏ dại.

Việc đưa Sông Moóc trở thành điểm du lịch gặp không ít khó khăn. Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, Hoàng Thị Nghị: Công tác lập quy hoạch và đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 còn chậm; việc quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế do cán bộ không được đào tạo chuyên ngành về du lịch. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch phục vụ tham quan, lưu trú còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài. Nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông đến các điểm tham quan còn hạn chế. Bởi vậy, việc phát triển du lịch nơi đây mang tính chất tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, chưa có quy hoạch.

Để khắc phục những hạn chế trên, tạo điều kiện sinh kế bền vững cho người dân, thời gian qua Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân làm du lịch, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển tại địa phương. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lãnh Thế Vinh chia sẻ: “Sông Moóc có đầy đủ những yếu tố để trở thành Sa Pa thu nhỏ ở Quảng Ninh. Vì thế, Ban đã phối hợp với UBND huyện Bình Liêu và Công ty CP Du thuyền Đông Dương cũng như một số đơn vị trong và ngoài tỉnh, tổ chức 4 lớp đào tạo bồi dưỡng về dân ca, ẩm thực, trò chơi dân gian và nghiệp vụ du lịch cho 60 thanh niên của xã Đồng Văn. Bước đầu, một số thanh niên ở xã đã chủ động sửa chữa nhà cửa để đón, phục vụ khách du lịch đến tham quan tại Sông Moóc”.

Năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đề xuất UBND tỉnh và huyện cấp kinh phí giúp thanh niên xã Đồng Văn hoàn thiện cơ sở vật chất tại hộ gia đình cũng như nâng cao kỹ năng làm du lịch. Đồng thời kêu gọi xây dựng đường dẫn vào thác Sông Moóc, giúp khách du lịch đi lại thuận tiện. Ban cũng đề xuất huyện sớm hoàn thành công tác lập quy hoạch và đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhất là khu du lịch Sông Moóc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh xây dựng chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng.

Mặc dù còn khá mới, nhưng du lịch cộng đồng ở Sông Moóc hứa hẹn hướng phát triển mạnh trong tương lai; từ đó góp phần đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=35505