Phát triển du lịch ở miền núi Thừa Thiên Huế

Những năm gần đây, du lịch sinh thái đang được quan tâm và phát triển nhanh chóng. Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng ở miền núi Thừa Thiên Huế không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có thêm trải nghiệm mà còn hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo tồn nét văn hóa bản địa đặc sắc.

Làng du lịch cộng đồng A Nôr, xã Hồng Kim (huyện A Lưới) phát triển du lịch sinh thái.

Hai huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới là vùng đất có nhiều tiềm năng về tự nhiên, còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều… Đây là lợi thế đang được địa phương khai thác để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, nâng cao đời sống của người dân.

Tiềm năng du lịch sinh thái và cộng đồng

Cách trung tâm huyện A Lưới khoảng 3 km, thác nước A Nôr ở xã Hồng Kim (huyện A Lưới) đang trở thành một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Với hạ tầng du lịch được đầu tư tương đối đồng bộ cùng với giá cả lưu trú hợp lý, khoảng 120.000 đồng/người/đêm, Thác A Nôr đang trở thành điểm du lịch thân thiện, không thể bỏ qua đối với du khách khi đến huyện vùng cao A Lưới.

Giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ dưới chân thác A Nôr, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá nhiều đặc sản của vùng cao nơi đây như thịt bò, gạo nếp than, gạo Ra-dư, mật ong rừng và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi.

Anh Nguyễn Đăng Ngọc, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đến với A Lưới, chúng tôi được trải nghiệm loại hình du lịch homestay trong những ngôi nhà sàn xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tận mắt chứng kiến những bàn tay tài nghệ của phụ nữ Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt Zèng thổ cẩm. Chúng tôi còn được hòa mình vào các lễ hội truyền thống như: lễ A Riêu Car, lễ A Riêu Ada...".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm chia sẻ, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, với khí hậu mát mẻ, phong cảnh hoang sơ hùng vĩ, cộng đồng dân cư bản địa giàu bản sắc văn hóa chính là những yếu tố khiến A Lưới trở nên đặc biệt, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. A Lưới thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội như: phiên chợ vùng cao, tái hiện tục đi Sim, liên hoan ẩm thực, lễ hội cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống... tại Trung tâm văn hóa huyện.

Huyện Nam Đông, cách thành phố Huế khoảng 50 km, nằm trong thung lũng được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao, điều kiện tự nhiên phong phú, khí hậu trong lành, đa dạng về văn hóa và có phong cảnh nên thơ hữu tình. Nơi đây lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu (chiếm 43% dân số toàn huyện) từ kiến trúc nhà gươl, nhà mồ hay trang phục truyền thống, dụng cụ âm nhạc dân tộc... đến hệ thống suối, thác trượt, hang động, thảm thực vật, rừng nguyên sinh và hệ thống các hồ chứa lớn như Tả Trạch, Thượng Lộ và Thượng Nhật.

Nam Đông còn lưu giữ được rất nhiều di tích lịch sử như Đồn Nam Đông, Đồn Khe Tre, Địa đạo Ka Tư... Những thế mạnh này đã mang đến cho Nam Đông nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông Lê Nhữ Sửu cho biết, tiềm năng du lịch của Nam Đông rất lớn, nhất là du lịch sinh thái và cộng đồng.

Ngoài thác Mơ và thôn Dỗi là hai điểm đã thu hút được du khách, còn rất nhiều điểm lý tưởng để phát triển du lịch như: thác Phướng (xã Hương Phú); thác Trời, đập Tràn (xã Hương Giang); hang Dơi (xã Thượng Quảng)...

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội miền núi

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp, nổi tiếng và nền văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, các huyện miền núi tại Thừa Thiên Huế có tiềm năng du lịch sinh thái với giá trị đa dạng sinh học cao, nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu; vị trí và khả năng tiếp cận thuận lợi.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh, thực trạng hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng tại đây còn nhiều điểm yếu chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và yêu cầu của du lịch sinh thái; công tác quy hoạch, quản lý đối với các cụm, điểm du lịch chưa được triển khai tốt; cơ sở phục vụ du lịch còn thiếu; đội ngũ cán bộ nhân viên yếu và chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.

Giám đốc Hợp tác xã Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (huyện A Lưới) Hoàng Thanh Duy cho biết, phần lớn đại diện các hộ gia đình của thôn vừa là thành viên của hợp tác xã, vừa tham gia các đội tự quản bảo vệ rừng, qua đó tạo ra sự gắn kết để khai thác du lịch bền vững.

Các thành viên của hợp tác xã được tập huấn kỹ năng làm du lịch và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào các dân tộc, như thịt bò A Lưới, gạo nếp than, gạo Ra-dư, mật ong rừng cùng những sản phẩm mây, tre đan, điêu khắc gỗ, dệt Zèng...

Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm, huyện đã liên kết được trên 15 công ty lữ hành thường xuyên đưa khách đến A Lưới; thiết lập được các tour du lịch ngoại tỉnh với Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và thành phố Huế. Đặt du lịch A Lưới trong điều kiện mở, nằm trong mối liên kết với du lịch tại ba tỉnh trong khu vực Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Kết nối tuyến du lịch của bốn huyện miền núi: A Lưới cùng với Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam); mở rộng phạm vi kết nối trên tuyến du lịch thuộc các huyện Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và tuyến biên giới thuộc các bản Ka Lô, huyện Ka Lưm và Cô Tài, huyện Sa Muội cùng một số vùng có tiềm năng thuộc tỉnh Sa-la-van và tỉnh Sê-kông (nước bạn Lào).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, qua các lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các làng du lịch cộng đồng ở A Hươr-Pa E (xã Quảng Nhâm), A Ka1 (xã A Roàng), A Nôr (xã Hồng Kim), các nhà hàng và tại một số điểm du lịch sinh thái như: Suối A Lin, Thác A Nôr, suối Pâr Le..., huyện A Lưới đang xây dựng chương trình du lịch theo chu kỳ bốn mùa trong năm, phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hóa truyền thống của các dân tộc và cơ sở vật chất hiện có, tạo giá trị tiện ích cho du khách.

Tại huyện Nam Đông cũng đang xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú, đa dạng và các mô hình homestay; xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa đặc trưng của địa phương như các đồ mỹ nghệ, trang sức, quần áo… của người Cơ Tu, cũng như đầu tư, nâng cấp các điểm du lịch hiện đang hoạt động; xây dựng các tuyến đường vào các điểm du lịch Thác Phướng, Thác Kazan, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư khai thác, phát triển du lịch. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham quan học tập tại các địa phương và đơn vị bạn về khai thác phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông, ông Dương Thanh Phước cho rằng: "Khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng sẽ là hướng phát triển của du lịch Nam Đông. Việc bà con dân tộc, những người trẻ tham gia làm du lịch cũng là cách để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu".

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Phúc cho rằng, phát triển du lịch gắn với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là định hướng của các huyện miền núi trong tỉnh. Để du lịch sinh thái, cộng đồng ở miền núi phát triển mang tính bền vững, cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, điều kiện khí hậu và huy động nguồn lực từ người dân để phát triển du lịch tại A Lưới và Nam Đông hiệu quả, thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực miền núi bền vững.

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/du-lich/tin-tuc!!/phat-trien-du-lich-o-mien-nui-thua-thien-hue-178461.html