Phát triển du lịch nông thôn Hàm Thuận Bắc: Vướng mắc quyết định. Bài 5

Bài 5: Sẽ tạo nên sự khác biệt, nếu…

Nhưng để điều đó thành hiện thực thì tại nơi trung tâm này phải gỡ được vướng mắc quyết định là đưa diện tích hồ vào phát triển du lịch để đa dạng tour, tuyến, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu gần gũi thiên nhiên, khám phá các hồ nước như một số nơi nổi tiếng du lịch thác hồ, sông nước trên cả nước, chứ không chỉ “đóng khung” ở trên bờ.

Đổi thay nhận thức về du lịch

Từ khi Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở Saloun, xã Đông Giang đi vào hoạt động, những ngày cuối tuần, du khách tập trung về đông. Tuyến tỉnh lộ 22, đường tới các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc, trước vốn vắng lặng, giờ nhộn nhịp xe cộ. Những hình ảnh ấy khiến người dân ở Đông Giang bắt đầu nghe và hiểu hơn những gì mà tại các cuộc họp của phụ nữ, thanh niên, nông dân… nói về phát triển du lịch nông thôn. Đơn giản chỉ là những sản phẩm thu hoạch từ rừng như măng, đọt mây, lá bép… hay nuôi heo, gà, vịt để bán cho khách. Trên địa bàn xã có 2 quán ăn, đó là nơi tiêu thụ trước tiên. Ở buổi đầu phát triển du lịch, cán bộ xã Đông Giang cũng tham gia làm du lịch theo kiểu kết nối với dân.

K’Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Đông Giang cho biết, có nhiều đoàn khách trước khi đến thăm khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, không biết liên hệ ở đâu nên điện thoại nhờ xã giúp… lo giùm bữa ăn trưa. Với tinh thần hỗ trợ du lịch ban đầu, cán bộ xã điện thoại quán ăn, huy động người dân trong xã có sản phẩm gì thì bán cho quán. Phải nhọc vậy, vì khách thích ăn các đặc sản ở vùng cao. Ở diễn biến khác, ông Tiển cho biết xã cũng đang tính chuyển các phòng học cũ hiện không sử dụng tại thôn 3, nằm trên đường đi vào khu căn cứ cách mạng để xây dựng những ki ốt bán các sản phẩm phục vụ du khách. Dù hiện tại chưa có gì nổi bật nhưng cán bộ xã đều nhận định phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy kinh tế ở xã Đông Giang trong thời gian tới.

Trong khi đó, ở Đa Mi, xã không dám triển khai tuyên truyền gì về phát triển du lịch đến người dân. “Vì thực tế dân ở đây đã làm dịch vụ du lịch tự phát. Vì vướng mắc trong chuyển đổi quyền sử dụng đất nên không có cơ sở nào để tuyên truyền dân phát triển du lịch. Sau cuộc họp đối thoại với dân ở Đa Mi của Bí thư, Chủ tịch huyện vào sáng 21/9, xã đề xuất phương án giao đất cho dân phù hợp hơn. Nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận sẽ tạo đòn bẩy phát triển du lịch”. – Chủ tịch UBND xã Đa Mi Nguyễn Anh Toàn cho biết.

Đó là hướng gỡ của Đa Mi và cũng là hòa chung vào không khí phát triển du lịch mà huyện Hàm Thuận Bắc đã xây dựng trong Kế hoạch 150 về thực hiện Kế hoạch số 848/KH-UBND của UBND tỉnh và Kế hoạch số 67-KH/HU của Huyện ủy (khóa XII), về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành tháng 7/2022. Trong đó nhấn mạnh: “Các ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch là trách nhiệm của toàn xã hội; du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phát triển du lịch”.

Khách tham quan Khu di tích căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Bình Thuận.

Gom tạo sắc màu

Tại Kế hoạch 150 có vạch ra mục tiêu, cụ thể đến năm 2025 là hoàn thành lập quy hoạch chi tiết du lịch Hàm Thuận - Đa Mi và du lịch hồ Sông Quao; tiếp nhận và đưa vào khai thác Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở Saloun, xã Đông Giang; thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư vào khu vực quy hoạch du lịch Hàm Thuận - Đa Mi và một số khu vực có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như hồ, đập, sông, suối, ao bàu, cánh đồng giáp cánh rừng… Còn đến năm 2030, phấn đấu thu hút ít nhất 01 dự án đầu tư vào khu vực quy hoạch du lịch hồ Sông Quao và tiếp tục thu hút thêm các dự án đầu tư tại một số khu vực có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đồng thời xác định du lịch bước đầu chiếm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện và góp phần thực hiện mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh…

Từ mục tiêu đó, huyện cũng phân công các phòng, ban thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch nông thôn ở huyện. Cụ thể như triển khai các tuyến đường kết nối giữa các xã, từ trung tâm huyện đi quốc lộ 1 và kết nối với cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn huyện), trước mắt tham mưu UBND huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường DT 714 (đoạn xã Đông Tiến). Hay tính toán đầu tư hệ thống đường điện phục vụ các khu du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, làng nghề, sản phẩm lưu niệm đặc trưng của địa phương…

Song song đó, gìn giữ, bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng phòng hộ phục vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm sống hài hòa với thiên nhiên và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Mặt khác, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân đầu tư du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm hoạt động nông, lâm nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc và phát triển rừng. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng-thác-hồ, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay); gắn với khôi phục và phát triển văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc K’Ho với các sản phẩm đặc trưng như dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực heo đen, cơm lam lúa mẹ…

Qua đó, từng bước hình thành chuỗi du lịch kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện với các vùng lân cận. Thực tế, tuyến du lịch liên huyện Tánh Linh – Hàm Thuận Bắc - TP.Phan Thiết hiện đã manh nha hình thành. Điều đáng chú ý, trên tuyến du lịch ấy, chính Đa Mi mà trung tâm là 2 hồ Hàm Thuận, Đa Mi với tiềm năng du lịch vốn có, nếu khơi lên được sẽ tạo nên nét đặc sắc, lẫn khác biệt của du lịch nông thôn Hàm Thuận Bắc so với các nơi khác. Nhưng để điều đó thành hiện thực thì tại nơi trung tâm này phải gỡ được vướng mắc quyết định là đưa diện tích hồ vào phát triển du lịch để đa dạng tour, tuyến, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu gần gũi thiên nhiên, khám phá các hồ nước như một số nơi nổi tiếng du lịch thác hồ, sông nước trên cả nước, chứ không chỉ “đóng khung” ở trên bờ. Sự nhộn nhịp đó quyết định cho người dân địa phương có công việc làm, có thu nhập tốt, nhờ bán được sản phẩm nông nghiệp. Đó là đích đến cuối cùng mà Kế hoạch 150 đặt ra.

“Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh mở các tour, tuyến, nhất là tour khám phá hồ Sông Quao, xã Hàm Trí và hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận, xã Đa Mi và các điểm du lịch trên địa bàn huyện” - Kế hoạch 150 của huyện Hàm Thuận Bắc.

Bài 1: Vùng cao vẫy gọi

Bài 2: Thế khó của Đa Mi

Bài 3: Bên không làm gì, bên khao khát

Bài 4: “Con đường” sẽ đi

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-du-lich-nong-thon-ham-thuan-bac-vuong-mac-quyet-dinh-bai-5-112304.html