Phát triển du lịch nông thôn Hàm Thuận Bắc: Vướng mắc quyết định. Bài 2

Bài 2: Thế khó của Đa Mi

Nếu ứng xử linh hoạt hơn, xã vùng cao này sẽ nhộn nhịp và hứa hẹn sôi động về dịch vụ “chân rết”, khi quy định pháp luật hoàn chỉnh, khi những nhà đầu tư lớn bước vào “cuộc chơi” du lịch nông thôn, nhất là ở 2 hồ Hàm Thuận, Đa Mi.

Chúng tôi sai và cần được hướng dẫn làm đúng

Nếu theo QL 55 qua hết địa bàn xã Đa Mi sẽ thấy thương mại, dịch vụ hai bên đường xôm tụ. Từ quán cà phê, điểm dừng chân cho đến quán ăn, điểm tham quan và cả homestay đều có. Tại những nơi có cảnh đẹp mà khách hay tìm đến, ngay cả trên mặt hồ Đa Mi lẫn Hàm Thuận cũng có nhà tạm, những chòi câu cá… nên không có gì lạ khi trên mặt đất, chỗ thuận tiện người ta cắm lều, sắm dăm cái ghế, cái bàn cho khách ghé ngồi. Cách xây cất tạm bợ, thậm chí chông chênh, nhất là ở những vùng đất mấp mô, có đồi dốc càng tăng thêm tính hoang sơ, tạo nét đẹp riêng của du lịch miền cao này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ những người chủ các dịch vụ này thì họ cho biết đất này là đất nông nghiệp mà gia đình đã khai hoang từ lúc xã Đa Mi mới thành lập hoặc sang nhượng bằng giấy tay. Có nghĩa, những xây cất trên phục vụ cho làn sóng du khách tràn về trong năm 2023 này là sai quy định pháp luật.

“Chúng tôi sai, vì làm dịch vụ du lịch trên đất nông nghiệp. Nhưng nếu xin chuyển mục đích sang đất thương mại dịch vụ cũng chưa được và nếu được cũng không kịp, khi lượng khách đổ về xã nhiều” – chủ quán cà phê gần hồ Hàm Thuận thuộc thôn Đa Tro nói. Đồng thời cho biết, theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch hồ Hàm Thuận, khu vực nhà anh và nhiều nhà khác ở gần hồ đã được quy hoạch đất thương mại, dịch vụ. Đây là cơ hội cho những người dân ở đây chuyển đổi mục đích sử dụng đất để mở rộng kinh doanh, dịch vụ lớn hơn, bài bản, đàng hoàng hơn phục vụ cho du khách đến, nhất là phải tính đến thời điểm khách đi đông theo đoàn. Và hơn hết là kinh doanh đúng quy định pháp luật. “Nghe nói các bộ như nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường sẽ có hướng dẫn làm du lịch trên đất nông nghiệp, đất rừng. Chúng tôi muốn được hướng dẫn thực hiện để kinh doanh đúng, chứ như hiện tại thì hồi hộp lắm, vì nay nghe nói phải tháo, rồi mai lại đòi tháo dỡ! Nhưng cả làng như thế rồi Đa Mi sẽ thế nào, khi khách đến?”.

Trong làn sóng tự phát chung như thế ở vùng cao này nên càng hiểu hơn vì sao chủ đầu tư điểm du lịch Hồ Trên Núi tại thôn Đagury lại mạnh dạn xây dựng cơ sở có view ven hồ đẹp như thế. Sau dịp lễ 30/4, cơ sở này bị báo chí viết bài về việc lấn chiếm mặt hồ thủy điện Đa Mi. Khi đoàn kiểm tra của huyện Hàm Thuận Bắc đến, ai cũng công nhận sự xuất hiện của kiến trúc nhà sàn trên mặt nước ở khúc eo của hồ Đa Mi này tạo ra điểm tham quan, săn mây cho du khách rất hấp dẫn. Nhưng đáng tiếc vì sao khi làm lại không hỏi huyện để có hướng dẫn cụ thể? Ông Đỗ Văn Lộc, chủ cơ sở xây tự phát này cho biết nhiều người trong xã cũng xây quán ăn, quán nước… trên đất nông nghiệp nên ông cũng xây cơ sở trên đất nông nghiệp mà gia đình đã ở từ năm 1996. Nhưng vì đất tiếp giáp mặt nước hồ Đa Mi lại trong “cơn say” phục vụ nhu cầu của du khách và cũng thấy có người làm nhà tạm trên hồ nên ông có lấn ra mặt hồ để làm chỗ ngồi tạm cho khách với cọc cây chống xuống hồ.

“Tôi sai rồi nhưng tôi muốn được hướng dẫn thuê mặt nước như người ta thuê nuôi cá tầm, để làm du lịch tại chính nơi đây. Vì chút diện tích của hồ Đa Mi ở eo nước này không ảnh hưởng gì đến dòng nước sản xuất của nhà máy. Vì làm du lịch đón khách nên tôi cũng dọn dẹp rác, cây cối trong hồ hay trôi về eo nước này, giúp quang cảnh nơi đây đẹp hơn, có chỗ cho bà con địa phương bán nông sản và du khách các nơi về có chỗ nghỉ chân” – ông Lộc kiến nghị khi đoàn kiểm tra nhấn mạnh mặt hồ Đa Mi là đất năng lượng. Nhưng nếu ai quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch cho vùng tiềm năng Đa Mi cũng phải suy nghĩ hướng giải quyết kiến nghị trên.

Nếu tháo dỡ, Đa Mi về lại xã nông nghiệp

Đó là băn khoăn của Chủ tịch UBND xã Đa Mi Nguyễn Anh Toàn, người đã công tác tại xã Đa Mi từ giai đoạn đầu thành lập xã đến nay nên nắm biết sự phát triển của xã có những đặc thù riêng. Theo ông Toàn, câu chuyện dân thích ứng nhanh trong chuyển sang làm du lịch, đón dòng khách từ khi có cao tốc là đi trước một bước trong công tác quản lý của chính quyền, thành ra là bức xúc tự phát. Công tác quản lý chưa theo kịp đó, thể hiện rõ nhất là trong đất đai. Đa Mi có diện tích đất tự nhiên là 13.838,81 ha, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và UBND xã Đa Mi trực tiếp quản lý với tổng diện tích 12.584,3 ha. Còn lại 1.293,17 ha với hiện trạng phần lớn là đất nông nghiệp nhân dân đang sử dụng, đất giao thông, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối… ngoài quy hoạch 3 loại rừng, chưa được giao về cho địa phương quản lý để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.

Trong khi đó, riêng phần đất đã giao rõ ràng cho UBND xã quản lý với tổng diện tích 1.803,8 ha đất là để xét cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân theo 4 quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận thì chưa thể triển khai thuận lợi được. Hiện diện tích cấp giấy chứng nhận ở xã chỉ chiếm 10% tổng diện tích trên. Nguyên nhân do phương án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, vì quy định đối tượng được giao đất nông nghiệp là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương và hạn mức giao đất là 1,5 ha; ngoài diện tích này thì hộ dân phải thuê đất. Tất cả các hộ dân đều không đồng tình nên không làm hồ sơ thuê đất. Vì vậy, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương, hạn chế trong việc đầu tư sản xuất của nhân dân...

Trong khi hiện tại khách du lịch đã quen tuyến, tour nên cứ đến. Người dân đã phát hiện làm dịch vụ du lịch thuận lợi hơn làm nông nghiệp, hơn thế còn kích thích bán được nông sản giá cao nên không thể nào dừng lại. Vì vậy, tình trạng vi phạm trên sẽ tiếp tục. Nếu chính quyền siết chặt, kiên quyết tháo dỡ thì Đa Mi về xã nông nghiệp y như những năm mới thành lập, khách du lịch chạy tới rồi về chứ không có một chỗ nào gọi là cho nghỉ chân, uống nước, ngắm cảnh, mua sầu riêng? Nếu ứng xử linh hoạt hơn, xã vùng cao này sẽ nhộn nhịp và hứa hẹn sôi động về dịch vụ “chân rết”, khi quy định pháp luật hoàn chỉnh, khi những nhà đầu tư lớn bước vào “cuộc chơi” du lịch nông thôn, nhất là ở 2 hồ Hàm Thuận, Đa Mi. Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư du lịch, khách thường thích có view hồ, có lối dẫn ra hồ để thỏa mãn hết nhu cầu trong vui chơi, chứ không chỉ dừng ở chở khách ra các đảo thăm vườn trái cây. Do đó, nhu cầu thuê mặt nước (vốn hiện tại đang là đất năng lượng) để làm du lịch hấp dẫn hơn trở thành nỗi khao khát.

Vì vậy, trong tháng 8 rồi, huyện Hàm Thuận Bắc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, đơn vị đang quản lý 2 hồ có diện tích thuộc địa phận xã Đa Mi là 1.599,23 ha để tìm hướng phát triển du lịch Đa Mi…

Bài 1: Vùng cao vẫy gọi

Bài 3: Bên không làm gì, bên khao khát

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-du-lich-nong-thon-ham-thuan-bac-vuong-mac-quyet-dinh-bai-2-112207.html