Phát triển du lịch lễ hội của đồng bào Khmer

Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trong đó dân tộc Khmer với hơn 300.000 người chiếm tỷ lệ 32% dân số cả tỉnh. Với những tiềm năng thế mạnh về văn hóa người Khmer, tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch để phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa lễ hội.

Tiềm năng văn hóa Khmer giúp phát triển du lịch

Là địa phương tập trung đông đảo người Khmer sinh sống, mô hình khai thác du lịch văn hóa người Khmer tại Trà Vinh đang phát huy sức mạnh, trở thành nền tảng để phát huy, truyền tải tinh thần tích cực của văn hóa Khmer.

Kho tàng văn hóa của người Khmer tại Trà Vinh vô cùng phong phú với hệ thống ngôn ngữ và chữ viết riêng, thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc đặc sắc, cùng với đó là hàng loạt các di tích văn hóa nổi bật. Ngày 20/7/2020, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 2762/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh theo hướng phát triển bền vững. Tạo ra các giá trị kết nối, giao lưu văn hóa, du lịch, thúc đẩy thương mại, đầu tư, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch mới.

Nét đẹp chùa Âng (Ảnh minh họa)

Trong đó, di tích danh thắng Ao Bà Om là điểm đến thu hút nhiều du khách. Đây là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Ao bà Om chính là một hồ thủy lợi cổ, được cộng đồng cư dân địa phương đào đắp thủ công từ nhiều thế kỷ trước nhằm tích trữ nước mưa, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, canh tác nông nghiệp của người dân trên một vùng đất giồng cát rộng lớn chung quanh. Ao Bà Om gắn với truyền thuyết của đồng bào Khmer để tưởng nhớ công lao của người đàn bà mưu trí - bà Om trong việc giúp cánh phụ nữ Khmer thắng cánh đàn ông trong cuộc thi đào ao thay đổi phong tục cưới xin.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tại Trà Vinh cũng là địa chỉ được nhiều khách du lịch dừng chân. Bảo tàng được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer.

Đặc biệt, chùa Âng là một ngôi chùa lâu đời nhất của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Có lịch sử hình thành từ năm 990, chùa Âng đã trải qua nhiều đợt trùng tu, vẫn uy nghi tồn tại trước tác động của nắng, gió và thời gian. Với các giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc đậm đà bản sắc văn hóa Khmer, có sự giao lưu văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ..., chùa Âng là niềm tự hào của đồng bào Khmer nơi đây.

Múa, hát và nghệ thuật sân khấu là nét nổi bật trong nghệ thuật biểu diễn của đồng bào Khmer nơi đây. Trong đó, kịch hát Dù-Kê hay còn gọi là La khôn bassắc là một loại hình sân khấu độc đáo của người Khmer, ra đời vào những năm 1920 -1930 bởi đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Loại hình nghệ thuật này có sự tiếp thu các tích tuồng của người Hoa và diễn chung với các vở cải lương của người Kinh. Hay các điệu múa dân gian như: Rôbam còn gọi là Rom Yăk (múa chằn), Râmvong, Rom khach, Rom sarawan và Lăm lêu... có những sắc thái văn hóa rất độc đáo…

Đối với cộng đồng người Khmer, hiện còn bảo lưu nhiều nghi thức cúng kiếng, có sự chi phối đến đời sống tinh thần của người dân nơi đây như các nghi lễ về nông nghiệp có lễ tết vào năm mới (Chol Chnam Thmay), lễ cúng ông, bà (Sene Đôl-ta); lễ hội Ok-Om-Bok (lễ cúng trăng), Lễ hội đua ghe Ngo… Tất cả góp phần tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Khmer.

Vốn văn hóa bản địa đậm đặc ấy chính là “kho báu” để Trà Vinh khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển du lịch. Nhằm phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức quảng bá hình ảnh, trưng bày sản phẩm đặc trưng văn hóa Khmer để kết nối các tuyến du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và chỉnh lý các phòng trưng bày tại Nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer và hàng năm thực hiện trưng bày theo chuyên đề như trang phục, ẩm thực, ngành nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật trong các dịp tết cổ truyền, các dịp lễ hội của dân tộc; Quy hoạch, đầu tư một số hạng mục, công trình, chỉnh trang, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp tại di tích danh thắng Ao Bà Om. Trùng tu, sửa chữa nâng cấp hạng mục trong di tích chùa Âng, để tạo thành khu liên hoàn về văn hóa Khmer. Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Trà Vinh xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo 22 di tích.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao diễn ra sôi nổi. Hàng năm diễn ra các cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật dân tộc Khmer trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer như: Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc, trang phục, múa không chuyên; Liên hoan Văn nghệ Đội tuyên truyền lưu động; Liên hoan Đờn ca tài tử Hội thi Tuyên truyền lưu động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Tham gia các cuộc Hội thi, Hội diễn, Liên hoan cấp khu vực và toàn quốc. Tham dự các giải đua Ghe ngo như: Giải đua Ghe ngo đồng bằng sông Cửu Long, giải đua Ghe ngo vô địch toàn quốc đạt nhiều thành tích nổi bật. Bên cạnh đó tỉnh còn tuyển chọn các vận động viên xuất sắc người dân tộc Khmer tham gia các giải thể thao, hội thao dân tộc thiểu số khu vực và toàn quốc khi có tổ chức đặc biệt là Ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ chu kỳ 5 năm 1 lần…

Xây dựng các mô hình liên kết cho từng loại hình văn hóa như chương trình nghệ thuật, ẩm thực, tham quan các di tích văn hóa, lịch sử và hoạt động vui chơi giải trí. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để thu hút tham gia hoạt động du lịch ngày càng phát triển.

Phát triển du lịch từ lễ hội Ok Om Bok

Cùng với Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, Ok Om Bok là một trong ba lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer nói chung và đồng bào Khmer tại Trà Vinh nói riêng. Lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Từ nhiều năm nay, Lễ hội Ok Om Bok đã được chính quyền địa phương quan tâm và đầu tư, nâng tầm, trở thành điểm nhấn độc đáo trong phát triển du lịch văn hóa của tỉnh Trà Vinh.

Tuyệt đại đa số người Khmer Trà Vinh gắn chặt cuộc đời mình, gia đình, phum sóc với sản xuất nông nghiệp, nên Ok Om Bok là lễ hội rất quan trọng, được tiến hành ở mỗi gia đình, trong từng ngôi chùa và trên qui mô toàn tỉnh.

Sân khấu hóa lễ Cúng trăng (Ảnh minh họa)

Lễ hội Ok Om Bok còn có tên khác là lễ hội Cúng Trăng được tiến hành chính vào ngày 14 và 15, (rằm tháng Mười âm lịch) và được tổ chức theo chu kỳ hàng năm. Lễ hội này là sự phản ánh, lưu giữ và truyền thừa những giá trị tích cực của tín ngưỡng đa thần cổ xưa của một tộc người gắn chặt cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình và cả phum sóc với ruộng đồng, mùa vụ và thiên nhiên. Đua ghe ngo là môn thể thao sôi động phục vụ hàng chục ngàn người xem, nhưng cũng là nghi thức truyền thống tạ ơn Thần Nước sau chu kỳ gieo cấy – thu hoạch vừa tiễn đưa Thần Nước về với biển cả ở thời điểm mùa mưa kết thúc, chuyển sang mùa khô trong chu kỳ một năm.

Ngày Rằm tháng Mười tại khu di tích danh thắng Ao Bà Om các trò chơi dân gian như kéo co, đập nồi, đẩy gậy, đi cà kheo cùng các môn thể thao như chạy việt dã, bóng chuyền thanh niên dân tộc…

Bên cạnh đó, nhiều hình thức nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp và diễn xướng dân gian truyền thống của đồng bào Khmer được tổ chức phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Ngày nay, gắn với lễ hội Ok Om Bok truyền thống của đồng bào Khmer, các cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, hội chợ.

Năm 2022, Lễ hội Ok Om Bok được tỉnh tổ chức với quy mô cấp khu vực. Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ, gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2022 (một chương trình quảng bá du lịch, văn hóa kết hợp xúc tiến Thương mại, sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP cũng rất thành công tạo được điểm nhấn của tỉnh Trà Vinh) đã diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 2/11 đến ngày 8/11/2022) với nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh về tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đặc biệt vừa qua, tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan Ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023 diễn ra từ 21-27/11 với nhiều nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc, đã thu hút đông đảo Nhân dân trong tỉnh và du khách các nơi đến với Trà Vinh để tham dự.

Bên cạnh việc tái hiện lại những nghi thức truyền thống của Lễ hội Ok Om Bok, các nét đẹp của văn hóa Khmer còn được thể hiện thông qua nhiều hình thức như: Hội thi trình diễn trang phục truyền thống Khmer; Triển lãm gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Khmer; Trưng bày triển lãm trang phục truyền thống của đồng bào Khmer; Giải đua ghe Ngo truyền thống…

Đến năm 2025, Trà Vinh đặt mục tiêu nâng tầm quy mô tổ chức Lễ hội Ok Om Bok lên cấp quốc gia; đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Hoàng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-trien-du-lich-le-hoi-cua-dong-bao-khmer-55877.html