Phát triển cụm công nghiệp để nâng cao năng lực chế biến nông sản

Sơn La là một trong những địa phương có tiềm năng nông nghiệp lớn nhất cả nước với rất nhiều loại nông sản có giá trị. Tỉnh đang kiên định mục tiêu đẩy mạnh chế biến nông sản để trở thành trung tâm chế biến nông sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải phát triển được công nghệ chế biến theo kịp với năng lực sản xuất.

Sơn La là một trong những địa phương có tiềm năng nông nghiệp lớn nhất cả nước với rất nhiều loại nông sản có giá trị. Tỉnh đang kiên định mục tiêu đẩy mạnh chế biến nông sản để trở thành trung tâm chế biến nông sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải phát triển được công nghệ chế biến theo kịp với năng lực sản xuất.

Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2050, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 8 cụm công nghiệp để phục vụ mục tiêu chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc; dệt may da giày...

Dây chuyền chế biến quả nhãn của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Tập đoàn TH) là một trong những mô hình chế biến nông sản tiêu biểu của Sơn La

Theo đánh giá của Sở Công thương Sơn La, các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La có diện tích và sản lượng cà phê tương đối lớn, trong đó thành phố Sơn La có gần 5.000ha cà phê, sản lượng quả tươi đạt khoảng trên 48.680 tấn, có 63 hộ gia đình sơ chế. Huyện Thuận Châu có khoảng 5.564 ha cà phê, sản lượng quả tươi đạt khoảng trên 34.000 tấn, có 9 hộ gia đình sơ chế.

Trong đó, công suất sơ chế của các hộ gia đình đạt trên 400 tấn quả tươi/ngày đêm; lượng nước thải khoảng 0,7m3 nước/tấn quả tươi; lượng vỏ cà phê khoảng 0,3 tấn/tấn quả tươi được thải trực tiếp ra môi trường. Việc sơ chế, chế biến cà phê trong những năm qua đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Để đảm bảo môi trường, năm 2021, huyện Thuận Châu không cho phép các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê không đảm bảo điều kiện về môi trường hoạt động, phần nào đã ảnh hưởng đến việc chế biến, tiêu thụ cà phê của người dân trên địa bàn.

Để nâng cao năng lực chế biến nông sản, việc có được các cơ sở chế biến quy mô, được trang bị công nghệ chế biến và công nghệ xử lý chất thải hiện đại trong các cụm công nghiệp là yếu tố quan trọng. Hiện nay, thành phố Sơn La đã quy hoạch 1 cụm công nghiệp Chiềng Ngần tại bản Phường, phường Chiềng Ngần với diện tích 18 ha; huyện Thuận Châu quy hoạch 2 cụm công nghiệp Phỏng Lái tại Bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, diện tích 5 ha và cụm công nghiệp Tông Cọ tại bản Lào, xã Tông Cọ, diện tích 5 ha. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì vị trí, quy mô diện tích quy hoạch 3 cụm công nghiệp trên không phù hợp do diện tích quá nhỏ, giao thông không thuận tiện, không đảm bảo nguồn để phục vụ sản xuất trong cụm công nghiệp, nguồn vốn đầu tư lớn... nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp.

Mới đây, tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định số 2204/QĐ-UBND ngày 24.10.2022 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt bổ sung cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Sơn La đến năm 2025.

Theo đó, cụm công nghiệp có diện tích 60ha, tại xã Hua La và phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Dự kiến ngành nghề thu hút đầu tư: Công nghiệp chế biến nông, lâm sản; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm thủy sản; chế biến lương thực, thực phẩm, may mặc, giày da, cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng; sửa chữa máy móc thiết bị…

Dự kiến trong giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025 thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; lập quy hoạch chi tiết 1/500; thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng 60ha; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thu hút đầu tư thứ cấp. Giai đoạn 2 từ năm 2016 – 2030 hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; thu hút đầu tư lấp đầy cụm công nghiệp.

Cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Sơn La đến năm 2025 là cơ sở để thành lập và lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư kinh doanh trong cụm công nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, huyện Mai Sơn, Thuận Châu. UBND tỉnh cũng giao Sở Công thương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, mời gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Tỉnh Sơn La cam kết sẽ đồng hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp.

Theo Dự thảo phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh sẽ phấn đấu thành lập được 8 cụm công nghiệp.

Việc bổ sung các cụm công nghiệp mới khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất chế biến, nhất là chế biến cà phê; đảm bảo nhu cầu đất cho doanh nghiệp công nghiệp, hộ kinh doanh, đặc biệt cho những lĩnh vực ưu tiên theo định hướng phát triển tăng trưởng xanh, bền vững của địa phương; di dời các cơ sở sản xuất chế biến nông sản nằm trong khu dân cư, các cơ sở ở đầu nguồn nước vào khu quy hoạch sản xuất tập trung, nhằm quản lý tốt các vấn đề về môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất…

Lan Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/phat-trien-cum-cong-nghiep-de-nang-cao-nang-luc-che-bien-nong-san-i310752/