Phát triển công nghiệp môi trường: Cần những 'bước đi' nhanh hơn - Bài 2: Giải pháp mở đường

Dù chưa phát triển, nhưng từ khi có Luật Bảo vệ môi trường (2014), ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam đã được nhìn nhận như một ngành kinh tế quan trọng.

Cần nhìn nhận đúng vai trò

Hiện nay, các hoạt động nhằm phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam đang từng bước được cân đối, hài hòa giữa 3 lĩnh vực chính, gồm: Dịch vụ môi trường (phân tích và quan trắc môi trường; quản lý, kiểm soát ô nhiễm, dịch vụ tư vấn quản lý môi trường); phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị (nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường; sản xuất thiết bị và vật liệu xử lý môi trường; phát triển công nghệ thông tin chuyên ngành môi trường; sản xuất thiết bị đo lường và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ ngăn ngừa ô nhiễm); phát triển và khôi phục tài nguyên (phát triển các dạng năng lượng mới; phục hồi tài nguyên; hoạt động tái chế chất thải).

Doanh nghiệp nỗ lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Ảnh Toyota cung cấp

Ngành công nghiệp môi trường ở nước ta hiện cũng đã có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 15%, do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục.

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng liên tục, tạo áp lực lớn lên môi trường thì công nghiệp môi trường là ngành được các quốc gia quan tâm hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Để phát triển công nghiệp môi trường theo Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 hướng tới, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường làm cơ sở để Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố, thảm họa môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo cơ sở, cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương - ông Tô Xuân Bảo - cho biết: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ được giao tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP, cùng đó tiếp tục tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công nghiệp môi trường. Huy động, tận dụng tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới để phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp môi trường để thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế không chỉ đáp ứng yêu cầu về xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Xanh hóa môi trường: Nhìn từ doanh nghiệp điển hình ngành Công Thương

Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều công ty đang dần hình thành mô hình "công viên trong nhà máy"

Tuy nhiên, những năm qua, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đã có nhiều nỗ lực trong xử lý vấn đề về ô nhiễm môi trường, “điểm nóng” môi trường và từng bước kiểm soát nguồn thải tại các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim...

Với những giải pháp đồng bộ, nhiều doanh nghiệp đã và đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường, có thể kể đến Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị chủ quản và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhằm xây dựng môi trường xanh - sạch trong sản xuất, những năm qua, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn đã tuân thủ nghiêm các quy định, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; đồng thời đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, từng bước hình thành “công viên trong nhà máy”.

Tại Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên: Để bảo vệ môi trường, các nhà máy sản xuất gang thép và luyện kim không chỉ đầu tư cho công nghệ mà còn tích cực áp dụng giải pháp hợp lý nhằm giảm tiêu thụ điện năng. Bên cạnh đó, các nhà máy đẩy mạnh công tác sắp xếp, vệ sinh mặt bằng nhà xưởng theo từng khu vực cho các tổ quản lý; cải tạo hệ thống cống rãnh, kho bãi, các hạng mục công việc. Tại nhiều điểm sản xuất treo biển “nghiêm cấm xả dầu mỡ thải ra môi trường” như một cách nhắc nhở người lao động tuân thủ công tác bảo vệ môi trường…

Treo biển “nghiêm cấm xả dầu mỡ thải ra môi trường” như một cách nhắc nhở người lao động tuân thủ công tác bảo vệ môi trường

Đặc biệt, công ty luôn ưu tiên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhất là các sáng kiến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Điển hình như công trình “Sửa chữa cải tạo nâng cấp lò nung số 2” của Nhà máy Cán thép Lưu Xá hay công trình “Sửa chữa lớn lò trộn nước gang 300 tấn” của Nhà máy Luyện thép Lưu Xá.

Ông Lê Mạnh Tiến - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Cán thép Lưu Xá - cho biết: Sau khi sửa cải tạo sửa chữa lò nung số 2, qua quá trình sản xuất của Nhà máy từ ngày 13/6 đến nay cho thấy nội hình lò nung và các thiết bị lò nung vận hành đảm bảo an toàn, phù hợp với công nghệ sản xuất hiện tại của Nhà máy. Nhiệt độ của lò nung được đồng đều hơn, tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu, điện năng và tiêu hao vật tư, năng lượng khác…

Khi sử dụng lò mới cải tạo thay thế lò cũ sẽ giảm được 50% quá trình vận chuyển xử lý phôi, do đó lượng tiêu hao điện cầu trục và cáp thép (chủ yếu phục vụ cho cẩu phôi) giảm khoảng 50%. Khi sử dụng lò mới cải tạo thay thế lò cũ cũng giảm được 2 nhân công cắt phôi, còn lại 1 nhân công cẩu xếp phôi và phân lô trước khi đưa vào sản xuất. Vật tư khác phục vụ cho hoạt động cắt phôi chiếm khoảng 60% bao gồm thiết bị đèn cắt, dây dẫn và van điều tiết ôxy… Khi sử dụng lò mới cải tạo thay thế lò cũ giảm khoảng 60% lượng tiêu hao các loại vật tư này”, ông Tiến chia sẻ.

Gần 30 năm có mặt tại Việt Nam, bên cạnh việc cung cấp những mẫu xe chất lượng, Toyota luôn nỗ lực là một doanh nghiệp xanh song hành với sứ mệnh tạo ra hạnh phúc cho tất cả mọi người, trong đó bảo vệ môi trường tiền đề cho sự phát triển bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của công ty.

Từ tháng 10/2015, Toyota đã đặt ra 6 thách thức cho môi tường đến năm 2025, đó là: Loại xe mới không phát thải; không phát thải CO2 trong toàn bộ vòng đời sản phẩm; nhà máy không phát thải; giảm và sử dụng hiệu quả nguồn nước; xây dựng công nghệ và hệ thống tái chế; thiết lập xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Đại diện Công ty Toyota cho biết: Tại Việt Nam, ngay từ ngày đầu thành lập, bên cạnh hoạt động kinh doanh, công ty luôn coi việc bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu. Không chỉ tuân thủ hệ thống quản lý môi trường tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất, công ty còn tiên phong trong thực hiện quy trình sản xuất sạch.

Theo đó, công ty luôn quan tâm đến các ảnh hưởng của môi trường đến toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ sản xuất đến bán hàng và sử dụng, sau đó áp dụng, thực hiện các hoạt động phù hợp nhằm giảm thiểu bất kỳ tác động nào. Thêm vào đó, công ty cũng kêu gọi đối tác kinh doanh như đại lý và nhà cung cấp tham gia vào các hoạt động môi trường, hỗ trợ đối tác trở thành những “công ty xanh”.

Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Để hoàn thành mục tiêu, nhiều công ty trong ngành Công Thương nói riêng, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nói chung đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải. Đây được xem là một bước ngoặt, sự tái định hướng có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội phù hợp với tinh thần của thời đại. Đồng thời cũng là cơ hội cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam phát triển; khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống các ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho thị trường đối với công tác bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp nỗ lực thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải. Ảnh Toyota cung cấp

Tuy nhiên, để ngành công nghiệp môi trường phát triển nhanh và như định hướng của Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 đặt ra trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải tạo lập thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, bởi lẽ thị trường sẽ tạo ra động lực phát triển ngành.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay, với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân và khởi nghiệp sáng tạo, ngành công nghiệp môi trường cũng cần cụ thể các chủ trương, hơn nữa đây là ngành ra đời sau nên có nhiều điều kiện để thực hiện khởi nghiệp, muốn vậy phải có hình thức quảng cáo, cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho đặc trưng của ngành để tạo động lực phát triển.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-moi-truong-can-nhung-buoc-di-nhanh-hon-bai-2-giai-phap-mo-duong-269120.html