Phát triển công nghiệp môi trường: Cần những 'bước đi' nhanh hơn - Bài 1: Nhận diện thách thức

Đến năm 2025, ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường...

Đó là mục tiêu của Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025. Như vậy, chỉ hơn 1 năm nữa mục tiêu quan trọng này hết thời hạn nhưng nhiều người lo ngại khó đạt được.

Giải pháp đã đồng bộ

Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững là quan điểm chỉ đạo quan trọng và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở định hướng đó, cùng những vấn đề môi trường phát sinh trong thực tiễn, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, thiết lập hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường, kiến tạo cho phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Công tác bảo vệ môi trường ngày càng được doanh nghiệp quan tâm

Trong đó, điểm nhấn là Luật Bảo vệ môi trường. Đến nay, Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi và thông qua 4 lần, tương ứng với yêu cầu bảo vệ môi trường qua từng giai đoạn, đó là vào các năm 1993, 2005, 2014 và mới nhất là Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường: Từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện; trong đó doanh nghiệp, người dân đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường…

Thông qua việc triển khai nhiều công cụ, biện pháp quản lý đồng bộ, công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực: Xu hướng giảm nhanh chất lượng môi trường đã được ngăn chặn; chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng lên…

Với quan điểm nhất quán: Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp.

Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương - cho biết: Tại Quyết định 192/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1138/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025. Bám sát các đầu mục công việc được Thủ tướng giao thực hiện tại Quyết định số 192/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành nhiệm vụ cụ thể, giao các đơn vị thuộc bộ triển khai.

Đến nay, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tăng cường nghiên cứu sản xuất thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải, lò đốt chất thải, lò hơi phát điện đồng xử lý chất thải, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn, thiết bị xử lý khí thải...

Các địa phương hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường thông qua chương trình khuyến công.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đôn đốc, chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất, phân bón đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất. Điển hình như: Ban hành Quyết định 2056/QĐ-BCT ngày 14 tháng 6 năm 2018 quy định mẫu Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón; Quyết định số 1818/QĐ-BCT ngày 20 tháng 7 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng làm cơ sở triển khai thống nhất, đồng bộ giải pháp giúp các nhà máy tháo gỡ vướng mắc, tăng cường tiêu thụ tro, xỉ…

Còn nhiều thách thức đan xen

Dù đã đạt được kết quả tích cực, song trong bối cảnh hiện nay, áp lực đặt ra không nhỏ về yêu cầu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giữ gìn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Còn nhiều thách thức đặt ra giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Báo cáo Tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2022 và định hướng giai đoạn 2022-2025, các chuyên gia đã chỉ ra những nguy cơ và thách thức trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện đang phải đối mặt, đó là: Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất kinh doanh; thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng xử lý chất thải…

Riêng ngành công nghiệp môi trường, trong “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, như: Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường, 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường, 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

Tuy nhiên, đến nay năng lực xử lý cung ứng dịch vụ môi trường nước ta mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.

Chưa có chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao. Vì thế, doanh nghiệp công nghiệp môi trường còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ.

Cùng bàn về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường – chỉ ra: Bức tranh công nghiệp môi trường sẵn sàng cho thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Mức độ sẵn sàng để doanh nghiệp tham gia công nghiệp môi trường 4.0 mới chỉ đạt 0,14/5. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực để thực hiện yêu cầu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa cao, chưa tạo động lực cho thực hiện đổi mới và chuyển sang kinh tế số.

Từ thực tế này, giới chuyên gia cho rằng, để ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế cần thiết phải có sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của mỗi người dân, doanh nghiệp và chính quyền từng địa phương, bộ, ngành.

Phát triển dịch vụ môi trường sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

Bài 2: Giải pháp mở đường

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-moi-truong-can-nhung-buoc-di-nhanh-hon-bai-1-nhan-dien-thach-thuc-269107.html