Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững

Công nghiệp hóa chất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ năm toàn cầu. Đây cũng là ngành có đóng góp giá trị sản xuất lớn và duy trì khá ổn định trong các giai đoạn phát triển công nghiệp của tỉnh.

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mỗi năm sản xuất 380.000 tấn axit sufuaric và cung cấp ra thị trường một triệu tấn phân bón các loại.

Phú Thọ hiện có 80 doanh nghiệp liên quan đến hoạt động hóa chất, trong đó có bốn doanh nghiệp sản xuất hóa chất là: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mỗi năm sản xuất 380.000 tấn axit sufuaric và cung cấp ra thị trường một triệu tấn phân bón các loại, 11.000 tấn axit, phèn; Công ty CP Hóa chất Việt Trì sản xuất 831.000 tấn/năm; Công ty CP Đông Á sản xuất 40.400 tấn/năm; Tổng Công ty Giấy Việt Nam sản xuất trên 289 tấn/năm và 26 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất công nghiệp ước tính 120.000 tấn/năm; còn lại 50 doanh nghiệp sử dụng hóa chất phục vụ làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất công nghiệp trong các doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn liền với cơ sở sản xuất công nghiệp.

Thực hiện Quyết định 1621 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 676 của Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm hóa chất cơ bản ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, ngành công nghiệp Hóa chất của tỉnh cơ bản hoàn chỉnh, bao gồm các lĩnh vực như: Phân bón, hóa chất công nghiệp cơ bản, hóa chất tiêu dùng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và phát triển kinh tế-xã hội, khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất hiện có và mở rộng quy mô sản xuất phù hợp. Trong đó, các doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiến tiến, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường và phát triển đa dạng các sản phẩm phân bón, các sản phẩm hóa chất có gốc sunphat, sunphit, phốt phát, florua, silicat... nâng cao tỷ trọng sản phẩm hóa chất và các sản phẩm khác trong cơ cấu sản phẩm có giá trị cao, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng xuất khẩu.

Công ty CP Hóa chất Việt Trì đã đầu tư thay thế các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh

Trong những năm qua, Công ty CP Hóa chất Việt Trì đã tiến hành cải tạo, nâng công suất các hóa chất cơ bản. Đồng chí Văn Đình Hoan - Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Bước đột phá nhất là năm 2017, Công ty đã đầu tư thay thế thiết bị điện phân công nghệ điện phân membrane thay thế hoàn toàn công nghệ điện phân màng ngăn (amiang) công suất 1.000/tấn năm nâng tổng công suất sản xuất Xút của Công ty lên 40.000 tấn/năm chấm dứt công nghệ cũ lạc hậu từ những năm 1960 của thế kỷ XX”. Trước đó, Công ty đã đầu tư nâng công suất sản xuất xút từ 10.000 tấn/năm lên 20.000 tấn/năm bằng công nghệ điện phân membrane, màng trao đổi ion; chuyển đổi đồng bộ, xây dựng nhà máy sản xuất Xút công nghệ cao của Nhật Bản và hoàn thành giai đoạn 2 Nhà máy sản xuất Xút công nghệ cao đi vào hoạt động hệ thống nước thải sản xuất công nghệ châu Âu (Phần Lan), tái sử dụng không thải ra môi trường.

Công ty CP Đông Á đã xây dựng và thực hiện đổi mới công nghề sản xuất; xây dựng các nhà xưởng: Nhà xưởng công đoạn điện phân và điện động lực, sấy nén Clo, tinh chế nước muối, lò đốt axit HCl, kho chứa muối, nhà điều hành, các thiết bị ngoài trời và các công trình phụ trợ có công suất 18.000 tấn/năm. Năm 2021, Công ty đã sản xuất khoảng 87.000 tấn hóa chất các loại, nộp ngân sách Nhà nước 15,8 tỷ đồng, doanh thu 350 tỷ, chế độ cho người lao động đều thực hiện đầy đủ; quý I/2020 doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Đức Trọng - Giám đốc Công ty CP Đông Á cho biết: “Là ngành sản xuất sử dụng điện năng cao, vì vậy Công ty mong muốn ngành điện cung ứng điện đảm bảo sản xuất kinh doanh nhất là dịp nắng nóng tới đây…”

Ngành sản xuất hóa chất của tỉnh là một trong những ngành sản xuất truyền thống có vị trí quan trọng trong công nghiệp và luôn chiếm tỉ trọng cao nhất trong các nhóm ngành công nghiệp của tỉnh. Các cơ sở sản xuất đã tích cực cải tiến kỹ thuật, nâng cao công suất để giảm giá thành. Tuy nhiên, một số công trình, dự án chậm tiến độ do gặp khó khăn về vốn, giá vật tư lên cao, bên cạnh đó sản phẩm phục vụ nội địa là chính, mẫu mã, chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là sản phẩm truyền thống. Quy mô sản xuất hầu hết thuộc loại nhỏ, các sản phẩm khác như pin, ắc quy mặc dù có những tiến bộ về công nghệ, song chưa phải là công nghệ tiên tiến của khu vực. Riêng Nhà máy sản xuất của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao có quy mô sản xuất lớn, sản phẩm có thương hiệu, được thị trường tín nhiệm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành phân bón đang ở mức bão hòa, sản phẩm hóa chất phân bón chịu sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm phân bón cùng loại trong nước và nhập khẩu có lợi thế về giá. Dây chuyền sản xuất đã cũ và lạc hậu, sản phẩm chưa đa dạng vẫn tập trung vào sản phẩm phân bón chưa chú trọng phát triển công nghiệp hóa chất cơ bản có lợi thế.

Thời gian qua, Công ty CP Đông Á đã đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, xây dựng các nhà xưởng như: Nhà xưởng công đoạn điện phân và điện động lực, kho chứa muối, nhà điều hành, các thiết bị ngoài trời và các công trình phụ trợ có công suất 9.000 tấn xút/năm…

Nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do tác động của hội nhập, mở cửa dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt các sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, nguồn lực, kinh phí tái đầu tư nâng cấp công nghệ mới còn hạn chế, nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Đa số các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hóa chất đã được đầu tư dây chuyền, công nghệ cũ, quy mô sản xuất vừa và nhỏ, chưa có khả năng tạo bước phát triển đột phá... Hiện các doanh nghiệp, nhà máy cũ và lạc hậu, chưa huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chưa đẩy mạnh công tác chuyển giao nâng cấp công nghệ hiện đại và tiến độ thực hiện mở rộng nâng công suất. Công tác quản lý, cơ chế chính sách, quy hoạch thiếu đồng bộ. Công tác sắp xếp, đổi mới cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, gặp nhiều khó khăn, lực lượng lao động dư thừa. Công tác nghiên cứu, xây dựng quy hoạch và dự báo tình hình chưa lường hết được khó khăn, chưa sát thực tế, chưa kịp thời giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu, chưa tập hợp được sức mạnh để tranh trên thị trường. Sự tiếp cận của các doanh nghiệp với thị trường nước ngoài trong xu thế hội nhập còn hạn chế…

Để phát triển ngành công nghiệp Giấy - Hóa chất cần thực hiện theo định hướng chung của cả nước, phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phương án phát triển các ngành kinh tế của tỉnh. Đồng thời gắn với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Trên cơ sở đổi mới công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đa dạng các sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế dân doanh và đầu tư nước ngoài; có sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp, có tính cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập sâu về kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH; tạo nền tảng sớm đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Anh Tú

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/cong-nghiep/202204/phat-trien-cong-nghiep-hoa-chat-theo-huong-ben-vung-183678