Phát triển công nghiệp điện ảnh tại TPHCM: Nội ứng, ngoại hợp

Trong chiến lược phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM, để thành công, ngoài chủ trương đúng đắn của xã hội hóa, việc huy động sự chung tay, giúp sức, hiến kế, đồng thời xây dựng các giải pháp nhằm kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại từ nước ngoài có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tiềm năng mở

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, TPHCM xác định 8 ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang. Ở lĩnh vực điện ảnh, thành phố hiện có 873 trên tổng số 17.670 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, khi xét về giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa, tính đến năm 2020 (năm cuối có thống kê) lĩnh vực điện ảnh đạt 3.367 tỷ đồng (trên tổng số 36.732 tỷ đồng của các ngành văn hóa), xếp sau quảng cáo, triển lãm, nhưng cao gấp nhiều lần các lĩnh vực du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Đông đảo khán giả tới xem suất chiếu đặc biệt của bộ phim Đất rừng phương Nam tại TPHCM

Điện ảnh TPHCM hiện chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh cả nước. Trong những năm qua, ngành điện ảnh đã có những đóng góp đáng kể vào GRDP của thành phố, dao động từ 0,32%-0,36%/năm. Năm 2019 doanh thu ngành điện ảnh thành phố đạt kỷ lục với 8.040 tỷ đồng trước khi giảm xuống vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Xã hội hóa điện ảnh là chủ trương đúng đắn. Tại TPHCM, xã hội hóa mang lại nhiều sự phát triển cho thành phố, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”, bà Thanh Thúy đánh giá.

Nhiều chuyên gia quốc tế cũng nhìn nhận, điện ảnh Việt, đặc biệt là tại TPHCM có rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển và ngày càng khẳng định dấu ấn trên trường quốc tế. Ông Jeremy Segay, Tùy viên Nghe nhìn khu vực Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho biết, tốc độ tăng trưởng điện ảnh Việt cả về số lượng rạp chiếu, thị phần phim Việt đều rất ấn tượng.

Ông cũng đưa ra dẫn chứng là bộ phim Bên trong vỏ kén vàng đã chiến thắng giải Máy quay vàng dành cho phim truyện đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023. Bộ phim này khi được phát hành tại Pháp đã bán ra hơn 50.000 vé, thu về khoảng 400.000 USD doanh thu. Một điểm sáng khác của điện ảnh Việt, đặc biệt tại TPHCM, đó là việc đang phát triển tốt khâu hậu kỳ, kỹ xảo (VFX), với nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chất lượng. Đồng thời, ông cũng chỉ ra yếu tố cốt lõi của thành công là việc người Việt thích xem phim Việt.

Trong khi đó, ông Kim Dong-ho, nhà sáng lập Liên hoan phim Busan (BIFF), Chủ tịch danh dự Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) cho rằng, việc tổ chức HIFF là rất cần thiết, bởi các liên hoan phim quốc tế có vai trò quan trọng với thị trường điện ảnh của một đất nước, đặc biệt trong việc phổ biến rộng rãi các tác phẩm chất lượng. Đó là lý do ông tin chắc HIFF sẽ thành công như BIFF.

Hiến kế

Hiến kế cho điện ảnh Việt, điện ảnh TPHCM, ông Jeremy cho rằng, tăng cường đối thoại để hiểu nhau hơn trong ngành công nghiệp này đóng vai trò quan trọng. Còn ông Kim Dong-ho thì dẫn chứng, Hội đồng Điện ảnh Busan ra đời và tiên phong ở Hàn Quốc là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công và thương hiệu cho Liên hoan phim Busan như ngày hôm nay. Từ mô hình này, nhiều thành phố khác ở Hàn Quốc đã học tập, làm theo. Các đoàn phim đến đều nhận được những hỗ trợ nhất định. Ông Jeremy cũng tán đồng quan điểm này: “Những tổ chức như thế sẽ là nơi các nhà làm phim có thể đến tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết hay tìm hiểu cơ sở dữ liệu về địa điểm làm phim”.

Ông JEREMY SEGAY, Tùy viên Nghe nhìn khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam: Phát triển công nghiệp điện ảnh cần sự phối hợp nhà nước - tư nhân

Tại Hàn Quốc hay nhiều nước châu Âu, chính quyền đều có những hỗ trợ về mặt chính sách tài chính cho nhà làm phim. Họ sẽ đảm nhận việc làm phim, còn chính quyền có nhiệm vụ quảng bá phim ra thế giới. Theo tôi, cần tìm cách nào thật hiệu quả để hai bên cùng làm việc và đi đến thống nhất. Đây cũng là vấn đề nên được đặc biệt lưu ý.

Trong khi đó, đối với việc tổ chức HIFF, ông Kim Dong-ho cho rằng, điều quan trọng là phải chọn được thời điểm thích hợp như BIFF, thay vì dồn vào cuối năm khó thu hút khách du lịch. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra sự kiện, mỗi ngày đều phải có các lễ hội văn hóa khác nhau. Về hoạt động chuyên môn, ông đưa ra gợi ý, HIFF giai đoạn đầu không nên làm chợ phim (film market) bởi khó cạnh tranh với các mô hình đã rất thành công. Ông Jeremy cũng đồng tình việc HIFF nên tập trung vào chợ dự án (project market) nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá, kết nối nhà đầu tư và thu hút các nhà làm phim trẻ tài năng từ khắp nơi trên thế giới.

Đón nhận những ý kiến đóng góp, bà Thanh Thúy cho biết, hiện Sở VH-TT TPHCM đang tham mưu cho các cấp lãnh đạo của thành phố những đề án và cơ chế hình thành Quỹ phát triển điện ảnh hỗ trợ tài năng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ở tầm quốc gia cũng đang nghiên cứu xây dựng những cơ chế đặc thù về chính sách bảo hộ điện ảnh để phát triển hoạt động sản xuất phim trong nước như: Ưu tiên việc chiếu phim Việt, thu thuế ở mức thấp với phim Việt, có những chính sách, chế độ ưu đãi thuế hoặc lãi suất thấp cho những nhà làm phim Việt, để từ đó tạo nên cơ chế khuyến khích, tạo động lực phát triển cho điện ảnh trong tương lai.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-tai-tphcm-noi-ung-ngoai-hop-post714641.html