Phát triển chăn nuôi trong điều kiện có dịch

Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và kéo dài trên địa bàn tỉnh gần 6 tháng qua đã gây ra thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ gia đình nông dân bởi phần lớn hộ nông dân trong tỉnh đều có chăn nuôi lợn nhỏ lẻ theo mô hình nông hộ. Nhiều hộ nuôi lợn không xảy ra dịch cũng bị ảnh hưởng do giá thịt lợn bị giảm xuống thấp và lợn hơi khó tiêu thụ. Việc dịch tả lợn Châu Phi chưa có thuốc chữa, chưa có vắc xin phòng và trước tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ ở tỉnh như hiện nay thì rất khó dập tắt dịch. Vì vậy, hiện nay ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng như chính quyền các cấp đã tích cực tìm lối đi mới trong phát triển chăn nuôi, tạo giá trị thay thế do dịch tả lợn Châu Phi gây ra.

Phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học hạn chế xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi

Đợt dịch tả lợn Châu Phi xảy ra gần nửa năm ở tỉnh đã “quét” qua địa bàn của 104 xã với 390 thôn, có 6.127 hộ có lợn bị dịch. Ngành Thú y tỉnh và chính quyền các cấp đã nỗ lực dập dịch, nhưng tính đến ngày 10/9/2019, toàn tỉnh mới chỉ có 16 xã hết dịch qua 30 ngày và có 4 xã tái phát dịch sau 30 ngày không phát sinh dịch. Tổng số lợn đã tiêu hủy kể từ khi phát dịch đến nay trên toàn tỉnh là 34.067 con với tổng trọng lượng hơn 1.746 tấn. Dịch tả lợn Châu Phi không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ô nhiễm môi trường mà quan trọng hơn là làm ngưng trệ sản xuất lợn trên địa bàn kể cả quy mô đàn lẫn giá thịt lợn giảm nên không tạo ra giá trị sản xuất nhiều cho ngành chăn nuôi theo kế hoạch đã đề ra.

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi còn diễn biến phức tạp (nhiều địa phương có khả năng tái dịch cao) trong khi loại bệnh này không có vắc xin phòng bệnh nên nhiều địa phương đã tìm giải pháp sản xuất ổn định trong thời kì có dịch như: Tập trung vệ sinh môi trường đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn để tiếp tục phát triển đàn lợn ở những hộ không bị xảy ra dịch; phát triển các loại cây, con khác phù hợp nhằm tạo giá trị sản xuất thay thế do dịch tả lợn Châu Phi, đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho nhân dân. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đào Văn An cho biết: “Trong điều kiện chăn nuôi của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, người dân nuôi theo hình thức tận dụng thức ăn thì việc dập tắt dịch tả lợn Châu Phi gặp nhiều khó khăn và lại lây lan rất nhanh. Có điều bệnh này không lây sang người nên cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh vật nuôi cho người chăn nuôi như thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, không để đàn lợn có nguy cơ lây nhiễm từ các mầm bệnh tự do, sử dụng các giống có kiểm dịch chặt chẽ thì việc tái đàn lợn cũng thuận lợi. Ngoài việc tái đàn lợn, các địa phương cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu con nuôi, tạo ra phong phú các chủng loại vật nuôi như gà, vịt, thỏ, dê… để nâng cao giá trị sản xuất”.

Do dịch tả lợn Châu Phi diễn ra trên địa bàn rộng, trong thời gian dài nên việc tái đàn lợn phải được thực hiện cẩn trọng. Tuyệt đối không được tái đàn lợn đối với các hộ có xảy ra dịch và lợn đã bị tiêu hủy nhưng vẫn chưa đến thời hạn công bố hết dịch (sau 30 ngày) để tránh dịch lây lan ra đàn lợn mới nuôi. Đối với các hộ không bị dịch thì có thể tiếp tục tái đàn lợn nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đầy đủ, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Đặc biệt, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ, khuyến khích các hộ chăn nuôi nên mua giống lợn tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn đã được cấp phép, phải nuôi đủ thời gian cách li theo quy định trước khi nhập đàn và thực hiện khai báo với cán bộ thú y cơ sở trước khi lập đàn.

Giải pháp mà nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn hiện nay là chuyển đổi một số con nuôi có lợi thế bên cạnh việc phát triển đàn lợn đủ khả năng kiểm soát dịch bệnh. Mới đây, huyện Hải Lăng đã ban hành chính sách hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây, con phù hợp trên địa bàn để mở rộng sản xuất trong vụ đông năm 2019 như ngô HN68, khoai lang HNV1, gà, vịt, nấm thực phẩm, nấm dược liệu… Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Phạm Đình Lợi cho biết: “Trước tình hình dịch tả lợi Châu Phi diễn biến phức tạp, HĐND huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ nông dân phát triển các cây, con thay thế trước mắt nhằm tạo ra giá trị sản xuất bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2019”. Theo đó, huyện Hải Lăng đã hỗ trợ cho nông dân giống cây, con đối với các hộ sản xuất có quy mô khá để tạo ra được sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trước mắt cũng như lâu dài.

Thực hiện tốt các giải pháp chăn nuôi an toàn trong điều kiện có dịch là hướng đi đúng và bền vững. Với việc tích cực chuyển đổi các loại gia súc, gia cầm phù hợp thay thế cho đàn lợn trong vùng có dịch như các địa phương đang làm hiện nay sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm của nhân dân trên địa bàn trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thời gian tết nguyên đán, góp phần ổn định thị trường thực phẩm và đời sống của người dân trên địa bàn toàn tỉnh cũng như đảm bảo được mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2019 như kế hoạch đã đề ra.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142365