Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực và đã đạt được kết quả quan trọng, trong đó quy mô tổng đàn vật nuôi chủ lực phát triển khá. Giai đoạn 2021 - 2025, ngành chăn nuôi xác định tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lợn, gia cầm, bò; phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... gắn với chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP).

Trang trại của HTX chăn nuôi Đỗ Sơn ứng dụng công nghệ chăn nuôi tự động, giúp tiết kiệm được chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Năm 2022, ngành chăn nuôi đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất - tiêu thụ, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất tạo bước đột phá nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm. Vì vậy, đã mang lại hiệu quả tích cực, đối tượng vật nuôi trên địa bàn tỉnh được cơ cấu lại, xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi lợn, gia cầm, bò và các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng chăn nuôi qua từng năm. Đặc biệt, với sự khuyến khích của Nhà nước, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh liên kết đầu tư nghiên cứu, sản xuất con giống, điển hình như sự tham gia của nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty CP, Công ty ĐTK... Từ đó, hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ... giúp nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Đáng chú ý, về giống vật nuôi, tỉnh chỉ đạo tăng cường sử dụng các giống cao sản, chất lượng cao; tập trung phục tráng, nhân thuần các giống bản địa có nguồn gen tốt phục vụ nhu cầu sản xuất; cải thiện nâng cao chất lượng giống vật nuôi, bổ sung cơ cấu giống trên địa bàn tỉnh, phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từng phương thức chăn nuôi và thị trường. Cơ cấu lại đàn lợn theo hướng giảm tỷ lệ đàn lợn nái và sử dụng các giống lợn ngoại cao sản, lợn lai có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất lợn giống có uy tín trên địa bàn như Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Nhà Vàng... đảm bảo việc sản xuất cung ứng con giống chất lượng cao cho người chăn nuôi, hạn chế việc nhập giống không rõ nguồn gốc từ địa phương khác. Đối với các trang trại chủ động sản xuất con giống đảm bảo chăn nuôi khép kín.

Cùng với đó, thu hút đầu tư phát triển cơ sở sản xuất giống gia cầm, nhất là giống gà thịt, gà siêu trứng tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Phù Ninh đảm bảo nhu cầu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận; hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất, phục tráng giống gà nhiều cựa trên địa bàn huyện Tân Sơn, Thanh Sơn. Tiếp tục thực hiện cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa và phát triển đàn bò cái nền để tận dụng được các ưu thế lai nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng thịt bò. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo các giống bò cao sản và cấy truyền phôi cho đàn bò cái để nâng cao khả năng sinh sản. Các giống vật nuôi khác tiếp tục được bình tuyển, chọn lọc tạo đàn cái nền và đực giống tốt cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống.

Ông Lê Thanh Sự - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Đỗ Sơn, xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba cho biết: “Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tôi đã đầu tư ứng dụng công nghệ chăn nuôi tự động vào trang trại chăn nuôi gà trên diện tích 2ha. Theo đó, trang trại được áp dụng đồng bộ các hệ thống thiết bị chuồng trại với tổng trị giá khoảng 3,5 tỉ đồng như các thiết bị đèn chiếu sáng, quạt thông gió, hệ thống làm mát, điều chỉnh nhiệt độ, máng thức ăn, cung cấp nước uống tự động và được tích hợp, điều khiển trên điện thoại thông minh. Nhờ đó, tiết kiệm được chi phí nhân công mà vẫn đảm bảo sản xuất hiệu quả. Hiện tại, mỗi tháng trang trại xuất bán khoảng 60 - 80 tấn gà với doanh thu đạt khoảng 2 tỉ đồng”.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhất là trong việc tăng cường sự liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân để tạo chuỗi sản xuất - tiêu thụ con giống... đến nay, cơ cấu giống vật nuôi đưa vào sản xuất có sự chuyển dịch mạnh mẽ, chuyển đổi từ “lượng” sang “chất”, trong đó tỉ lệ giống lợn ngoại 95%, bò lai cao sản 77%. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉ trọng giá trị chăn nuôi tăng từ 44,6% năm 2015 lên 56% năm 2022, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành. Mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững, chăn nuôi sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành các vùng sản xuất tập trung các vật nuôi chủ lực. Hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới, phát huy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào sản xuất và liên kết với các hộ chăn nuôi làm thay đổi phương thức, tập quán và nâng cao hiệu quả sản xuất. Kinh tế tập thể, HTX, trang trại trong chăn nuôi phát triển cả về quy mô và hiệu quả kinh tế. Các biện pháp kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi ngày càng được nhân rộng, nhiều giống vật nuôi có chất lượng cao được đưa vào sản xuất đã rút ngắn chu kỳ chăn nuôi, tăng trọng lượng xuất chuồng.

Bà Lê Thị Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Toàn tỉnh hiện có trên 1.300 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại theo Luật Chăn nuôi, trong đó có 145 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT; 29 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chăn nuôi, gồm có các doanh nghiệp thuộc các công ty, tập đoàn lớn như Dabaco, CP, RTD, ĐTK, Hòa Phát; khoảng 90 cơ sở hợp tác liên kết với các công ty đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai quyết liệt, hiệu quả, qua đó kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất”.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng hàng hóa, tập trung theo vùng trọng điểm, đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo quy định của Luật Chăn nuôi. Đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động chăn nuôi; đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu hút doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại thực hiện liên kết sản xuất chăn nuôi gắn với chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ, hình thành chuỗi ngành hàng chủ lực có giá trị cao; xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chăn nuôi... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển chăn nuôi thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 8,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 56,5% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân tăng 4,3%/năm.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-san-xuat-hang-hoa/190873.htm