Phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới

Phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới không chỉ nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần quảng bá hiệu quả văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Trong đó, trách nhiệm của giới trẻ ngày càng được khẳng định bởi họ là thế hệ có tư duy sáng tạo hiện đại, lại được tiếp thu và có khả năng làm chủ những thành tựu công nghệ mới.

NDO - Phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới không chỉ nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần quảng bá hiệu quả văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Trong đó, trách nhiệm của giới trẻ ngày càng được khẳng định bởi họ là thế hệ có tư duy sáng tạo hiện đại, lại được tiếp thu và có khả năng làm chủ những thành tựu công nghệ mới.

Những nỗ lực và thành công bước đầu

Ở Việt Nam, thanh niên đóng vai trò như một nhân tố quyết định trong thực hiện nhiệm vụ phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Bởi họ là thế hệ đang ở độ tuổi sung sức nhất về thể chất, trí tuệ cũng như năng lực sáng tạo, những người có tư duy táo bạo, dám nghĩ dám làm, mang khát vọng đổi mới, mong muốn khẳng định bản thân và cống hiến cho cộng đồng.

Người trẻ là những người lĩnh hội công nghệ mới tốt hơn, khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy. Ngoài ra người trẻ còn có thế mạnh về ngoại ngữ dễ dàng cập nhật những xu hướng mới trong văn hóa. Họ cũng chính là thế hệ tiếp nối, thực hành và duy trì văn hóa trong tương lai.

Thực tế, những sản phẩm được tạo ra bởi giới trẻ, phát trên các nền tảng nhiều người trẻ sử dụng thiết nghĩ sẽ dễ có được sự tiếp nhận và đồng cảm từ những người cùng thế hệ. Từ đó, ít nhiều sẽ tạo được một cộng đồng có thị hiếu văn hóa tích cực hơn.

Thực tế, những sản phẩm được tạo ra bởi giới trẻ, phát trên các nền tảng nhiều người trẻ sử dụng thiết nghĩ sẽ dễ có được sự tiếp nhận và đồng cảm từ những người cùng thế hệ. Từ đó, ít nhiều sẽ tạo được một cộng đồng có thị hiếu văn hóa tích cực hơn.

Những năm gần đây, giới trẻ đã có sự quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới một cách có chọn lọc. Tận dụng những công cụ có sẵn trên các nền tảng: Facebook, Youtube, Tiktok... và các tiện ích đăng tải video, hình ảnh hay livestream, nhiều nhóm nghiên cứu văn hóa đã truyền bá các sản phẩm có nội dung về các loại hình văn hóa, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc như: chèo, cải lương, tuồng, hát xẩm...

Có thể kể đến dự án tiêu biểu "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương", dự án "Trường ca kịch viện"...

Theo đó, dự án Chèo 48h dưới sự bảo trợ của “Tôi 20” (tổ chức phi lợi nhuận của các sinh viên) cùng với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn, Phát huy âm nhạc dân tộc và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững đã kết nối những bạn trẻ, đặc biệt ở độ tuổi học sinh, sinh viên, với những giá trị đặc sắc, nét đẹp truyền thống của chèo dân gian Việt Nam và các loại hình truyền thống khác. Với sự hỗ trợ của trang fanpage (nền tảng Facebook) và các nền tảng xã hội khác như: Youtube, dự án cũng thường xuyên cập nhật tin tức và các hình ảnh liên quan, từ đó, góp phần lan tỏa, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới nhiều người hơn.

Tương tự, dự án “Trường ca kịch viện” là một “bảo tàng” trực tuyến về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam. Thông qua các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội Facebook và website, “Trường ca kịch viện” mang đến những thông tin cơ bản về nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam, như: Rối nước, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, quan họ, chầu văn... Sau hai năm triển khai, dự án đã và đang thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ.

Các dự án về Chèo thu hút nhiều bạn trẻ. (Ảnh: Fanpage Chèo 48h)

Mới đây, dự án Artbook song ngữ Việt - Anh “Gánh hát lưu diễn muôn phương” do một nhóm bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh sáng lập và thực hiện cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực, là một cách mở cánh cửa di sản với góc nhìn mới lạ của tuổi trẻ. Sách giới thiệu 30 nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu như: Quan họ, hát Xoan, Ca trù, Rối nước, Chèo, Chầu văn, Xẩm... và lễ hội dân gian gồm: Tết Nào Pê Chầu, lễ Cấp sắc, hội Gióng, lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui...

Ngoài ra, có thể đến các kênh Youtube của Nguyễn Khánh Vương Anh giới thiệu về ẩm thực Việt với những góc tiếp cận gần gũi, dung dị, Sunny Vietnam giới thiệu nhiều clip về văn hóa-du lịch đặc sắc; cuốn sách song ngữ Anh-Việt "Dệt nên triều đại" xuất bản tại Australia, khái quát về cổ phục Việt thời Lê sơ do nhóm Trung tâm Việt Nam (Vietnam Centre) thực hiện; fanpage Dong Ho folk paintings (Tranh dân gian Đông Hồ) của Nguyễn Diệu Vân - một cô gái sinh năm 2002, thường xuyên đăng tải các bức tranh nổi tiếng cùng lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích, giúp người xem hiểu được nét đặc sắc của từng tác phẩm.

Ngoài kênh fanpage, Diệu Vân và nhóm bạn còn sử dụng nền tảng Youtube và Instagram... nhằm quảng bá về làng nghề tranh Đông Hồ, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều dự án phi lợi nhuận hướng đến số hóa các di sản, tác phẩm nghệ thuật cổ của một số kỹ sư, nhà khoa học trẻ tuổi.

Cần những sản phẩm văn hóa có giá trị

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới của Việt Nam hiện nay chưa nhiều, phần lớn là các dự án đơn lẻ của một nhóm hoặc một cá nhân nào đó; ít có sự đầu tư, hỗ trợ để xây dựng thành các sản phẩm hàng loạt, có tính đại chúng, giúp định vị thương hiệu văn hóa Việt Nam trên thế giới. Mặt khác, các sản phẩm hiện nay chưa phong phú về mặt thể loại, chủ yếu là các lĩnh vực âm nhạc truyền thống, ẩm thực. Trong khi đó, các lĩnh vực còn rất đa dạng về tiềm năng sáng tạo, từ điện ảnh, thời trang, giải trí đến thủ công mỹ nghệ...

Bên cạnh đó, có một số "sản phẩm văn hóa" được phát triển bởi giới trẻ tồn tại trên các nền tảng mạng xã hội chưa thực sự mang lại những thông điệp tích cực cho cộng đồng. Thậm chí, còn có những sản phẩm độc hại đã và đang len lỏi rất nhanh, ăn sâu, bén rễ vào đời sống tinh thần của xã hội. Đây là những sản phẩm văn hóa nhảm nhí, tồn tại một cách vô bổ, ảnh hưởng đến tư duy của lớp trẻ, khiến họ có những suy nghĩ lệch lạc, phiến diện. Những sản phẩm đó hạ thấp thị hiếu của xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới của Việt Nam hiện nay chưa nhiều, phần lớn là các dự án đơn lẻ của một nhóm hoặc một cá nhân nào đó; ít có sự đầu tư, hỗ trợ để xây dựng thành các sản phẩm hàng loạt, có tính đại chúng, giúp định vị thương hiệu văn hóa Việt Nam trên thế giới.

Vì thiếu kinh nghiệm, thiếu sự tìm tòi, tự tin thái quá vào hiểu biết của bản thân, một số người trẻ còn để xảy ra những sai sót trong thiết kế, phục dựng, tái hiện các sản phẩm văn hóa do mình sáng tạo. Cá biệt, có hiện tượng đề cao sự phá cách trong quá trình thể nghiệm, kết hợp bất hợp lý giữa văn hóa truyền thống với hiện đại dẫn đến hành vi phản cảm, phản văn hóa.

Những biểu hiện tiêu cực này cần được chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải xây dựng và phát triển những sản phẩm văn hóa đúng nghĩa, mang lại giá trị đích thực cho cộng đồng và được xã hội công nhận. Bởi một sản phẩm âm nhạc, một tác phẩm điện ảnh giá trị hoàn toàn có khả năng làm nên thương hiệu quốc gia, giúp lan tỏa hình ảnh và cuộc sống Việt Nam.

Báo Nhân Dân

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-trien-cac-san-pham-van-hoa-xuyen-bien-gioi-post372278.html