Phát triển các khu công nghiệp tập trung theo hướng bền vững

Hình thành, phát triển khu công nghiệp (KCN) rất sớm ở phía Bắc, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đầu tư xây dựng các KCN tập trung theo hướng bền vững, góp phần hình thành hệ thống các KCN đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đảm bảo về chất lượng về môi trường, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã có nhiều dự án đầu tư sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy đi vào hoạt động. Ảnh: Thế Hùng

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đảm bảo về chất lượng về môi trường, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã có nhiều dự án đầu tư sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy đi vào hoạt động. Ảnh: Thế Hùng

Là KCN kiểu mẫu của tỉnh, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đang trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Được khởi công tháng 9/2017 với tổng diện tích hơn 213 ha do Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đầu tư, sau gần 5 năm xây dựng, hết năm 2021, KCN thu hút được 32 dự án, trong đó có 6 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng và 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 730 triệu USD.

Đã có 15 dự án đi vào hoạt động SXKD, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt 73%. KCN có tường xây cao và bao kín bốn hướng, cây xanh, điện chiếu sáng, thiết bị giám sát bảo vệ được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhất tỉnh.

Hướng tới KCN xanh, môi trường làm việc thân thiện, tạo đột phá trong thu hút đầu tư của tỉnh, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với 1 trạm biến áp 110/22kV, hệ thống cấp nước được đấu nối tới chân tường rào của từng nhà máy; hệ thống xử lý nước thải tập trung có tổng công suất xử lý 9.000 m3/ngày, đêm.

Trên 20% diện tích toàn khu là hệ thống cây xanh, mặt nước, đường giao thông; 3 tuyến kênh trong nội khu, tạo cảnh quan không gian trong lành, thoáng mát; đội ngũ nhân viên phòng cháy chữa cháy được đào tạo chuyên nghiệp cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại.

Nằm ở trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) được hình thành từ năm 2003 với loại hình sản xuất chủ yếu là thiết bị cơ khí chính xác, điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô, xe máy.

Hết năm 2021, KCN thu hút được 90 dự án, gồm 12 dự án DDI, tổng vốn đăng ký hơn 876 tỷ đồng; 78 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 1.200 triệu USD; đã có 85 dự án đi vào hoạt động SXKD, tỷ lệ lấp đầy đạt 94%.

Hầu hết các dự án, DN đầu tư SXKD tại KCN hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động.

Các con đường trong KCN Khai Quang đều có cây cối xanh tốt, phủ rợp bóng mát, khuôn viên của nhà xưởng mỗi DN cũng được trồng các loại cây xanh, thảm cỏ trên diện rộng; hệ thống đèn chiếu sáng, nút tín hiệu giao thông được đầu tư theo hướng tiết kiệm điện.

Năm 1997, khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc chỉ có 1 KCN, đến nay, tỉnh đã có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch gần 2.800 ha, trong đó có 8 KCN đã đi vào hoạt động.

Riêng năm 2021, UBND tỉnh đã Quyết định thành lập 6 KCN gồm KCN Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - Khu vực 2, Bá Thiện - Phân khu I, Sơn Lôi và Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực II (Giai đoạn 1).

Các dự án đầu tư, các KCN mới xây dựng được bố trí phát triển chủ yếu tập trung gần các đô thị lớn trong tỉnh, có vị trí gần thủ đô Hà Nội, thị trường lớn và có các điều kiện về hạ tầng tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo khai thác, phát triển các KCN tại các khu vực gò đồi, đất xấu, hạn chế quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp làm KCN theo định hướng đề ra.

Hiện, cơ sở hạ tầng các KCN của tỉnh xây dựng cơ bản đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (bao gồm cả nhà máy xử lý nước thải).

Một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp như KCN Kim Hoa, KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1. Các KCN còn lại đang tiếp tục triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Đến nay, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 416 dự án, gồm 81 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 22.000 tỷ đồng và 335 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5.400 triệu USD; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng từ 23-25 KCN với tổng quỹ đất khoảng 7.000 ha; tiếp tục quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư sau cấp phép; chú trọng hỗ trợ các DN tư vấn về pháp lý.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành liên quan trong công tác giám sát, kiểm tra về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường… tại các KCN; chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư, nhất là tại các thị trường nhiều tiềm năng.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN.

Ban quản lý các KCN rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt tạo môi trường cảnh quan KCN hấp dẫn thu hút đầu tư và an toàn xã hội.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75238/phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-tap-trung-theo-huong-ben-vung.html