Phát triển bền vững logistics và thương mại điện tử: 3 yếu tố mấu chốt

Theo giới chuyên gia, có 3 yếu tố mấu chốt cho sự phát triển bền vững của logistics và thương mại điện tử, đó là: Nhận thức, nhân lực và xây dựng hệ sinh thái.

Xanh hóa không chỉ là xu thế, mà còn là nhiệm vụ

Chia sẻ tại Phiên thảo luận với chủ đề: “Chiến lược đầu tư bền vững và xu hướng M&A trong ngành Logistics và Thương mại điện tử” trong khuôn khổ Hội thảo “Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/5, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - đánh giá, xu hướng tự động hóa trong ngành dịch vụ logistics những năm qua tiến triển nhanh. Cùng với đó, sự phát triển của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ logistics. Từ đó tạo mối liên kết hữu cơ hài hòa giữa 2 ngành, lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp cao, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - cho rằng, ngành thương mại điện tử và logistics có mối quan hệ chặt chẽ như “hai chị em”. Ông Hưng ví: “Thương mại điện tử như “cô em gái” của logistics. Phần lớn thương mại điện tử phụ thuộc vào logistics”.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp cao, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp cao, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Tuy nhiên, khi nói đến logistics và thương mại điện tử xanh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam bày tỏ quan ngại, hiện nay từ chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đến chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam đang chỉ tập trung vào tăng trưởng mà không đề cập đến môi trường. Trong khi đó, logistics trong thương mại điện tử có nhiều tác động xấu đến môi trường bằng việc thải lượng bao bì, rác thải nhựa lớn. “Với tốc độ phát triển thương mại điện tử như hiện nay, ước tính đến năm 2030 thương mại điện tử sẽ thải ra khoảng 800 nghìn tấn rác thải nhựa”, ông Hưng thông tin; đồng thời bày tỏ mong muốn, cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu đưa vấn đề về bảo vệ môi trường vào các kế hoạch, chiến lược cụ thể để logistics nói chung và thương mại điện tử nói riêng phát triển bền vững.

Cùng bàn về phát triển xanh và bền vững bao trùm, trong đó có cả lĩnh vực logistics, TS. Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam - đánh giá, khái niệm logistics phát triển bền vững, logistics xanh là khái niệm mới nhưng được nhắc đến nhiều. Logistics xanh không chỉ là xu hướng của thế giới mà là nhiệm vụ phải làm theo cam kết của Chính phủ tại COP 26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

TS. Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam

TS. Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam

Theo ông Trung, để phát triển bền vững, logistics xanh, tức là cần xanh hóa trong các quy trình logistics, về vận tải, kho bãi, công nghệ, thương mại, trong đó có thương mại điện tử, quản trị, con người. “Hiện, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về tiêu chuẩn triển khai logistics xanh. Để thực hiện điều đó, cần chuẩn hóa được tiêu chuẩn logistics xanh trong các ngành. Việc này cần được triển khai ngay từ khâu quy hoạch, tiếp đến là ban hành các quy định về thực hiện, kèm theo là giám sát quá trình thực hiện, cũng như chính sách liên quan đến quá trình hỗ trợ, phát triển, hợp tác quốc tế để có thể đẩy mạnh chương trình này cũng như hài hòa với các quy định trên thế giới”, ông Trung nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics là nhiệm vụ chiến lược, bắt buộc. Bởi ngành hàng hải, ngành hàng không đòi hỏi tính hội nhập cao và sự tuân thủ các quy định của quốc tế. Đồng thời, ông cho biết, trong hệ thống cảng biển với các điều kiện khác nhau về phát triển thì chuyển đổi số là bài toán cần phải giải quyết ngay.

“Chúng tôi đang thực hiện chuyển đổi số quyết liệt và việc lựa chọn các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước - “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” cũng là một trong những ưu tiên. Bởi các doanh nghiệp Việt Nam có sự đổi mới sáng tạo, tích hợp với việc chia sẻ, thấu hiểu, đặc biệt là vấn đề giá thành. Tuy nhiên, một số hệ thống Việt Nam chưa làm được nên chúng tôi phải sử dụng của nước ngoài. Bên cạnh một số sản phẩm bắt buộc phải sử dụng của nước ngoài thì việc thiết kế các giao diện tương thích cũng như vấn đề hỗ trợ kỹ thuật trong khai thác thì việc sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt vẫn được ưu tiên”, ông Hưng nói.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics là nhiệm vụ chiến lược, bắt buộc

Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics là nhiệm vụ chiến lược, bắt buộc

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam bày tỏ mong muốn, nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, để không chỉ là giải pháp công nghệ hiệu quả mà còn là chi phí đầu tư hợp lý. “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần nguồn lực lớn, do đó, cần sự phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế, cùng với đó là sự phát triển theo lộ trình ngắn hạn, dài hạn cũng hết sức quan trọng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Nhân lực chất lượng cao không chỉ đào tạo 5-10 phút thành nghề

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - cho rằng, sự phát triển bền vững ở cấp độ vĩ mô đòi hỏi sự tăng trưởng dài hạn; đồng thời cân bằng, hài hòa giữa quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như sự cân đối giữa mục tiêu phát triển môi trường và kinh tế.

Bà Lại Việt Anh đặc biệt nhấn mạnh đến 3 yếu tố mấu chốt cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử và logicstics, đó là: Nhận thức, nhân lực và xây dựng hệ sinh thái. Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sự thay đổi về nhận thức bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước, sau đó là các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và cả người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững, từ chính sách pháp luật và tăng cường liên kết vùng để giảm thiểu sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng là điều cần thiết.

Bà Cao Cẩm Linh - Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam

Bà Cao Cẩm Linh - Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam

Cũng đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực, bà Cao Cẩm Linh - Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam - cho biết, hiện nay khoảng cách giữa yêu cầu của doanh nghiệp và kết quả đào tạo của nhà trường đang cách rất xa, nhất là khi hội nhập. “Khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI đã xa, nhưng khoảng cách giữa thực tế của doanh nghiệp với lý thuyết của nhà trường còn xa hơn nữa. Trong khi nhu cầu nhân lực logistics chất lượng cao đang rất thiếu thì cũng không thể đào tạo lao động phổ thông 5-10 phút là thành nghề”, bà Linh quan ngại nói.

Đồng thời bà cho biết, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đang có chương trình hợp tác với các nhà trường và Sở Công Thương các địa phương trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

M&A - lối đi tắt cho các doanh nghiệp

Để phát triển bền vững theo ông Trần Thanh Hải, M&A (mua bán, sáp nhập) là lối đi tắt mà các doanh nghiệp trong nước có thể vận dụng, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, với phương pháp này doanh nghiệp Việt không có nhận biết và thay đổi kịp thời thì sẽ bị ảnh hưởng.

Phiên thảo luận với chủ đề: “Chiến lược đầu tư bền vững và xu hướng M&A trong ngành Logistics và Thương mại điện tử”

Phiên thảo luận với chủ đề: “Chiến lược đầu tư bền vững và xu hướng M&A trong ngành Logistics và Thương mại điện tử”

Bà Cao Cẩm Linh cho rằng, phương thức M&A không hề mới trên thế giới nhưng với Việt Nam lại khá mới mẻ. Bình luận về xu hướng M&A trong thời gian vừa qua và tác động đến lĩnh vực logistics, bà Linh đánh giá, hoạt động này của các doanh nghiệp trong nước đuối hơn doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân đến từ chuyên môn, kinh nghiệm thương thảo, đàm phán và ngay cả tỷ lệ góp vốn, tỷ lệ biểu quyết; việc bán 1 phần hay toàn phần sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mình như thế nào.

Theo bà Linh, khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam việc đầu tiên họ nghĩ đến đó là hình thức M&A. “Các doanh nghiệp đang hoạt động tốt, hoạt động có tiềm năng tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa chưa kịp lớn thì đã bị M&A”, bà Linh nói; đồng thời nêu nguyên nhân vì sao doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức M&A. Là do các doanh nghiệp đa quốc gia đã có kinh nghiệm cả về thất bại và thành công tại các thị trường khác. Khi vào thị trường Việt Nam, họ biết cần phải đầu tư, cần có thời gian để đào tạo, thích nghi với thị trường và khi đến một thời điểm nào đó thì sẽ tăng trưởng và thu lợi nhuận.

“Các doanh nghiệp trong nước gần như chưa có nhiều kinh nghiệm, đây là một trong những bất lợi. Xu hướng này còn diễn ra mạnh mẽ trong tương lai. Bởi với tốc độ phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam dường như đang khoác 1 chiếc áo hơi rộng. Do đó, cần sự chuyên nghiệp đến từ doanh nghiệp FDI. Đây là một xu thế tất yếu”, bà Linh nhấn mạnh.

Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh SLP Việt Nam

Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh SLP Việt Nam

Là một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm M&A tại thị trường Việt Nam, ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh SLP Việt Nam - cho hay, một trong những chiến lược của SLP khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam là M&A. “Khi vào Việt Nam, để tránh mất thời gian chúng tôi làm việc trực tiếp với các đơn vị phát triển hạ tầng, mua lại các doanh nghiệp có tài sản, quỹ đất, quen mới môi trường, thẩm định pháp lý. Đây là công cụ hữu hiệu mà công ty vẫn đầu tư trên toàn thế giới”, ông Nam tiết lộ.

Ông Nam cho biết thêm, dù hiện diện ở quốc gia nào SLP đều có chính sách phát triển bền vững với các tiêu chí cụ thể. Ví dụ khi M&A doanh nghiệp kho bãi, logistics tại Việt Nam, SLP đưa thêm các tiêu chí thẩm định: Bảo đảm các yếu tố môi trường và xã hội, yêu cầu bên bán cung cấp báo cáo về tác động môi trường; hay khi xây dựng hạ tầng phục vụ logistics, SLP yêu cầu nhà thầu thực hiện các tiêu chí môi trường, tiêu chuẩn xanh, năng lượng mặt trời áp mái để cung cấp cho khách thuê.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-ben-vung-logistics-va-thuong-mai-dien-tu-3-yeu-to-mau-chot-320439.html