Phát huy vai trò dân vận của hệ thống chính trị

Ngày 25/2/2010, Bộ Chính trị khóa X ban hành Quyết định số 290 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện quy chế đã được các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, các lực lượng của tỉnh quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Nhân ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10)

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu lồng ghép hoạt động dân vận trong công tác khám - chữa bệnh cho Nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu lồng ghép hoạt động dân vận trong công tác khám - chữa bệnh cho Nhân dân.

Nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng

Theo đồng chí Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, những năm qua, các cấp ủy, cơ quan, tổ chức đảng đã nêu cao vai trò lãnh đạo trong công tác dân vận.

Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy dẫn chứng: Các đồng chí Thường trực và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo công tác dân vận của các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang thông qua chỉ đạo ban hành các quyết định, chương trình, kế hoạch. Bên cạnh đó là chỉ đạo các cấp ủy đảng tập trung đổi mới phương thức dân vận theo phương châm “gần dân, lắng nghe dân, hiểu dân và giúp Nhân dân”. Các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng tăng cường đối thoại trực tiếp, tham gia các buổi vận động từ vấn đề cụ thể, phát sinh trong cuộc sống. Định kỳ hằng quý, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức giao ban với khối các cơ quan dân vận của tỉnh, trong đó đánh giá đúng tình hình và chỉ đạo sát nhiệm vụ dân vận của hệ thống chính trị trong thời gian tiếp theo.

Công tác dân vận cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Trong đó, với Đảng đoàn HĐND tỉnh là việc thường xuyên quán triệt đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các văn bản về công tác dân vận, nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp, chất lượng tiếp xúc cử tri, tham gia giải quyết ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh là tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung dân vận chính quyền tại các cơ quan nhà nước theo hướng đồng bộ, sâu rộng, sát thực. Điển hình như dân vận trong khâu giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quy định số 1902 về việc thực hiện công tác dân vận trong thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhờ đó tháo gỡ nhiều nút thắt ở các địa phương vốn tồn tại trong thời gian dài.

Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, cơ quan, tổ chức đảng trong công tác dân vận còn thể hiện ở các hoạt động của Đảng đoàn MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Với cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị là quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận theo chức năng bằng các kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể. Với cơ quan Văn phòng và các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy là việc phối hợp tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành chủ trương, chính sách dân vận. Ví dụ như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án số 17 của Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền, vận động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2019”…

Dân vận trong cơ quan nhà nước

Để công tác dân vận thực sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, theo đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lý Thị Vinh, các cơ quan nhà nước, các ngành, lực lượng đã tập trung cao, tạo sự chuyển biến tích cực trong vận động Nhân dân. Trong đó đã phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, đơn vị trong công tác dân vận nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống trong triển khai nhiệm vụ. Cụ thể như đối với cơ quan HĐND tỉnh là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận thành các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách của tỉnh... Trách nhiệm của cơ quan UBND tỉnh là vừa cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, vừa tổ chức dân vận, tập trung vào vấn đề, lĩnh vực quan trọng. Hằng năm, UBND tỉnh đều có chương trình làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị tỉnh về công tác vận động quần chúng, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phối hợp xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong cơ quan nhà nước.

Công tác dân vận còn có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, các cơ quan tư pháp, lực lượng vũ trang, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể. Điển hình như lực lượng vũ trang xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” và mô hình “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”; MTTQ Việt Nam các cấp dân vận qua các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc… Cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp còn phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hoạt động các tổ hòa giải cơ sở, qua đó giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, những tranh chấp xảy ra tại cộng đồng dân cư.

Các cấp, các ngành, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã và đang vào cuộc thực hiện công tác dân vận một cách đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cũng thông qua đó mà tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân được nắm kịp thời, làm cơ sở để Đảng và Nhà nước điều chỉnh, ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ lợi ích của Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348352-phat-huy-vai-tro-dan-van-cua-he-thong-chinh-tri