Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới

MTTQ từ tỉnh đến cơ sở cũng tập trung vào những vấn đề thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, liên quan đời sống, việc làm của người dân nông thôn, như: thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; giám sát các nguồn lực, giám sát thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện các quy định về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở địa bàn nông thôn; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến phản biện xã hội của MTTQ đã được các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành.

Trên cơ sở kế thừa kết quả sau 20 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện CVĐ “Ngày vì người nghèo”, tháng 11/2015 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã phát động thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây là cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện và lâu dài, được gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống, được các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nỗ lực thực hiện.

Tại Hà Nam, thực hiện CVĐ, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền hướng dẫn thôn, xóm, tổ dân phố bổ sung các nội dung phù hợp, gắn 5 nội dung của CVĐ với 5 tiêu chuẩn làng văn hóa và 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của khu dân cư. Trong đó, tiêu biểu là MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư. Phối hợp xây dựng các mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, lồng ghép đưa nội dung xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp vào triển khai xây dựng gia đình văn hóa.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 105 mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường”; trên 95 % khu dân cư có tổ thu gom rác thải. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội còn hỗ trợ, hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng Compost” cho 2.340 hộ gia đình tại 53 khu dân cư. Đến nay, đã có 49 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường, 71 xã đạt tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao.

Tọa đàm vai trò của MTTQ các cấp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ảnh: Bình Nguyên

Để góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục quan tâm phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và tuyên truyền, vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”. Trong 5 năm qua, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp đã vận động ủng hộ trên 100 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây mới trên 400 căn nhà cho người nghèo, sửa chữa gần 100 ngôi nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn và người có công. Ngoài ra, còn hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo về sản xuất, giống vốn và chi khám bệnh cho trên 100 người với số tiền hàng trăm triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 100% hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán với số tiền hàng chục tỷ đồng…, góp phần giảm nghèo bền vững, nghèo đa chiều năm 2023 còn khoảng 2,4%. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội tham gia vận động tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, góp phần giữ vững và tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến nay đạt 93,2%.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tích cực phối hợp với các đơn vị thành viên vận động người dân thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương, lồng ghép thực hiện 5 nội dung CVĐ gắn với 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đối với tiêu chí Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội ở nông thôn, Ủy ban MTTQ các cấp và các đơn vị thành viên coi trọng công tác tuyên truyền, vận động và triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ an ninh quốc gia, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhiều mô hình về bảo đảm an ninh trật tự đã được áp dụng và nhân rộng, như: mô hình “Khu dân cư an toàn lành mạnh”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội dân phòng”, “Nhóm nòng cốt”, “Chùa tịnh tiến”, “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “Khu dân cư lành mạnh, không có tội phạm, ma túy”... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 75 “Nhóm nòng cốt tuyên truyền chính sách, pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng"; 301 khu dân cư không có tội phạm; 325 khu dân cư không có người nghiện và tái nghiện; xây dựng 69 “Tổ tự quản trật tự an toàn giao thông”, với 415 thành viên... đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở khu vực trọng điểm.

MTTQ từ tỉnh đến cơ sở cũng tập trung vào những vấn đề thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, liên quan đời sống, việc làm của người dân nông thôn, như: thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; giám sát các nguồn lực, giám sát thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện các quy định về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở địa bàn nông thôn; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến phản biện xã hội của MTTQ đã được các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành.Kết quả, hết năm 2022 có 19 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 đến nay cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra, thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến công nhận ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/nong-thon-moi/phat-huy-vai-tro-cua-mttq-trong-xay-dung-nong-thon-moi-110086.html