Phát huy vai trò của HTX trong giảm nghèo tại Vĩnh Long

Ở Vĩnh Long, nhiều HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành lập. Tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, mở cánh cửa thị trường, từ đó vươn lên làm giàu bền vững.

Giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững được tỉnh Vĩnh Long xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Tạo thu nhập ổn định cho thành viên

Khi xu hướng tiêu dùng xanh trở nên phổ biến thì đồ gia dụng mây tre đan như thúng, rổ, rá… hay các vật dụng được đan từ lục bình cũng ngày càng được ưa chuộng. Những sản phẩm này không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn rất hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày, góp phần tạo không gian sống xanh, gần gũi với thiên nhiên.

Nắm bắt được nhu cầu đó, HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình), đã sản xuất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhờ đó các sản phẩm của HTX nhận được sự chào đón của thị trường.

Nhờ uy tín gây dựng nhiều năm, các thành viên HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng không sợ thiếu việc làm, thu nhập cải thiện giúp cuộc sống ngày càng nâng cao.

Bà Phạm Thị Tơ, Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng, cho biết để tạo ra những sản phẩm từ lục bình không quá phức tạp, một số sản phẩm lục bình phổ biến tại HTX như thùng vuông, thảm, nón, rổ, túi xách... rất được thị trường ưa chuộng. HTX đã tạo việc làm cho hơn 800 lao động, trong đó phần lớn là người khuyết tật để giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

“Nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, ngoài những sản phẩm thủ công chủ lực thì một số chị em trong HTX còn sáng tạo thêm họa tiết hình con vật, hoa lá… từ lục bình để tăng độ bắt mắt cho sản phẩm. Sản phẩm mới luôn được trưng bày tại HTX, nếu được khách hàng đặt thì chúng tôi sẽ sản xuất số lượng nhiều. Sắp tới, chúng tôi chủ yếu tập trung nhân lực để hoàn thành các đơn hàng gia công sản phẩm xuất khẩu cuối năm”, bà Tơ chia sẻ.

Theo bà Tơ, nhờ uy tín gây dựng nhiều năm, HTX không sợ thiếu việc làm, chỉ cần các chị em chịu học hỏi, nâng cao tay nghề để thu nhập cao hơn. HTX hướng tới mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm chủ kinh tế.

Hiện, sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng khá đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon…

Toàn bộ sản phẩm của HTX sản xuất ra được phía doanh nghiệp liên kết thu mua, xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức, hoặc xuất sang Đài Loan (Trung Quốc).

Bà Phạm Thị Tơ cho biết, doanh thu năm 2022 của HTX đạt hơn 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 589 triệu đồng. Bình quân mỗi lao động tại HTX có thu nhập từ 5 triệu đồng/ tháng. Tiền lương ổn định giúp người lao động tự chủ kinh tế, phát huy được sự sáng tao trong công việc. Hiệu quả của HTX Quyết Thắng đang góp phần rất đáng kể cho công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Thời gian qua, bên cạnh những hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng, HTX nỗ lực liên kết với nhiều công ty trong và ngoài tỉnh, nhằm có nhiều nguồn hàng giúp lao động nông thôn có việc làm, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, HTX còn gặp khó khăn do chưa có sân phơi, nơi lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn hạn chế nên chưa mở rộng được thêm nguồn hàng. Theo đó, HTX kiến nghị được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng nguồn hàng, hỗ trợ HTX đầu tư cơ sở vật chất, tăng kết nối...

Người trồng cam sành thoát nghèo nhờ HTX

HTX Nông nghiệp Cam sành Organics Trà Ôn là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cây trồng cũng như đảm bảo đầu ra bền vững cho trái cam sành.

Để giải quyết đầu ra cho trái cam, HTX Cam Sành Organic Trà Ôn ra đời năm 2017 với 30 thành viên, 36 lao động nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, theo chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ với mức giá hợp lý. Mục tiêu của HTX là nâng cao năng suất, chất lượng trái cam, giá bán tăng, giảm chi phí đầu tư.

Cam sành đang được các HTX trên địa bàn huyện Trà Ôn thu mua cao hơn giá thị trường.

Đến nay, HTX đã hình thành 2 vùng nguyên liệu cam sành ở huyện Trà Ôn với tổng diện tích gần 55ha. 100% diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đảm bảo thị trường ổn định với giá bán cao cho thành viên, hộ liên kết.

Ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Trà Côn cho hay, trước đây, cam sành có giá cao từ 6.000 - 9.000 đồng/kg, mỗi ngày HTX xuất bán hơn 60 tấn đi khắp các tỉnh trong cả nước. Hiện nay, lượng cam tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung giảm hơn 80% vì thời tiết chuyển lạnh, nên giá cam cũng giảm. Tuy nhiên, HTX vẫn thu mua cho các hộ liên kết và thành viên cao hơn mức giá bán cho thương lái bên ngoài

Ông Lê Thanh Phong (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) cho biết, ông thuê gần 50 ha trồng cam sành từ 2 - 8 năm tuổi. Vườn cam này được ông xử lý cho trái quanh năm, nên việc chọn người tiêu thụ phải xác định từ khi mới bắt đầu vụ.

Theo ông Phong, từ đầu năm 2023 giá cam sành giảm, nhưng nhờ tham gia HTX giúp cam sành của ông có được đầu ra ổn định. Hiện, vườn cam nhà ông được HTX cắt với giá 4.000 đồng/kg tại vườn.

“Ngoài được tiêu thụ cam sành, HTX còn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cam đạt chất lượng về kích thước, trọng lượng và đặc biệt không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để đưa cam đến các siêu thị, nhà hàng, quán ăn”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Văn Hậu (xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) cho biết, vụ cam này gia đình ông có khoảng 40 tấn trái bán với mức giá 5.000 đồng/kg đối với cam đẹp khi giao đến HTX dịch vụ nông nghiệp xã Trà Côn.

Ông Hậu chia sẻ, những năm trước giá bán cam cao, mỗi vụ người trồng có lãi hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy vào diện tích trồng. Nhờ đó, cuộc sống người dân không còn cảnh nghèo khó, đảm bảo thu nhập tốt, có của ăn của để. Tuy nhiên, năm nay cam rớt giá, nhưng được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường, nên người nông dân không lo bị lỗ, có tiền tái đầu tư cho vụ cam tiếp theo.

“Tham gia HTX là một lợi thế về giá, vì cam được sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn nên chất lượng luôn đạt những yêu cầu của thị trường khó tính”, ông Hậu nói.

Tăng cường hỗ trợ HTX

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện nhiều chính sách của Trung ương và địa phương về công tác dân tộc góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Trong đó, phát triển kinh tế tập thể, HTX được đánh giá là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,41%. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,41%/năm.

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhiều HTX đã thành lập mới xuất phát từ nhu cầu chung của người dân, dần góp phần tháo gỡ những hạn chế mà kinh tế nông hộ đang gặp phải là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không đảm bảo quy trình kỹ thuật và yêu cầu của thị trường. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững.

Để vận động, khuyến khích các HTX đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX như: hỗ trợ khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, mã số vùng trồng, mua sắm máy móc, thiết bị, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…

Ông Lương Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, năm 2022, toàn tỉnh có 16 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX là 184 HTX với trên 9.000 thành viên. Doanh thu bình quân cả năm đạt 1,544 tỷ đồng/HTX, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 150% kế hoạch; lợi nhuận bình quân đạt 272 triệu đồng/HTX, tăng gấp 1,68 lần so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Có 48% HTX được xếp từ loại khá trở lên. Đây là kết quả, tín hiệu khá tích cực đối với sự phục hồi và phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX, ông Đào Xuân Tùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đề nghị các sở, ngành hỗ trợ cho các HTX tìm kiếm thị trường, giới thiệu các công ty, doanh nghiệp trực tiếp thu mua sản phẩm do HTX sản xuất ra. Đồng thời, từng bước liên kết sáp nhập các HTX có quy mô nhỏ nhằm hình thành các HTX có quy mô lớn để đủ sức cạnh tranh.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/phat-huy-vai-tro-cua-htx-trong-giam-ngheo-tai-vinh-long-1097204.html