Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hiện nay

Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đã có sự đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nổi bật, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch.

Trong đó doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Đây là những con số ấn tượng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu toàn quốc sáng ngày 3/3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do vướng mắc về cơ chế chính sách; các quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Chia sẻ về khó khăn, biến động lớn về cung cầu và giá cả các sản phẩm năng lượng thời gian qua, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chia sẻ, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ cùng với sự cố gắng, nỗ lực của người lao động dầu khí, Petrovietnam đã vượt qua rất nhiều khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đạt nhiều kỷ lục mới về doanh thu, nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, các chỉ tiêu tài chính trong 2 tháng đầu năm 2024 của tập đoàn hoàn thành vượt mức từ 16-26% kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

"Tập đoàn đã tập trung tháo gỡ, giải quyết nhiều việc lớn và khó trong những năm qua như các dự án đầu tư khó khăn: Nhiệt điện Thái Bình 2, chuỗi dự án khí điện Lô B-Ô Môn, từng bước tháo gỡ khó khăn của dự án liên hợp lọc dầu Nghi Sơn. Cùng với đó, Petrovietnam cũng đẩy mạnh mở rộng quy mô, từng bước hội nhập quốc tế, tái tạo mô hình kinh doanh để thích ứng với kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế số và dịch chuyển năng lượng. Đặc biệt, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã hoàn thiện những thể chế, chính sách trong hoạt động dầu khí để phát triển ổn định".

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để các doanh nghiệp nhà nước phát huy hết tiềm năng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.

Trần Long

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/phat-huy-vai-tro-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-trong-dieu-kien-hien-nay-102240303150417781.htm