Phát huy truyền thống, ngành Thanh tra quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2016), PV Báo Thanh tra phỏng vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu về một số kết quả và sự phát huy truyền thống của ngành trong năm 2016 cũng như những định hướng quan trọng của ngành trong thời gian tới để cùng với các ngành, các cấp đồng hành xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ban Biên tập Báo Thanh tra xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu

PV: Xin Tổng TTCP chia sẻ thêm những nỗ lực, kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong năm qua trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) và xây dựng ngành Thanh tra Việt Nam?

Tổng TTCP Phan Văn Sáu: Trong năm 2016, mặc dù có những khăn nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội và rơi vào thời điểm “chuyển giao nhiệm kỳ”, rất nhiều nhiệm vụ mới phải triển khai, nhất là Nghị quyết Đại hội XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020, ngành Thanh tra vẫn giữ vững và phát huy truyền thống của ngành - để tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Thứ nhất, trong công tác thanh tra, ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới; hoạt động thanh tra đi sâu vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều ý kiến bức xúc, như quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý tài chính, ngân sách, thuế, bảo hiểm, ngân hàng… Trong 9 tháng đầu năm, đã phát hiện vi phạm 54.691 tỷ đồng, 3.175 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 41.587 tỷ đồng và 867 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 906 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 56 vụ, 75 đối tượng. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Thanh tra trong việc chấn chỉnh quản lý Nhà nước, giữ gìn trật tự, kỷ cương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, ngành Thanh tra vừa làm tốt công tác quản lý Nhà nước vừa tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KN, TC của công dân, trong đó, giúp cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp 273.094 lượt công dân (3.650 đoàn đông người); tiếp nhận, xử lý 177.606 đơn thư; tham mưu giải quyết 17.100 vụ việc KN, TC; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 60 tỷ đồng, 28 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.004 người, kiến nghị xử lý hành chính 440 người, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, phục vụ thành công Đại hội XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thứ ba, ngành Thanh tra vừa triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, vừa chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong đó, đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện các nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; ban hành và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác... trong đó, các cơ quan Nhà nước đã cơ bản hoàn thành kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 với 1.004.231 người, đạt tỷ lệ 99,1%; công khai 993.127 bản kê khai, đạt tỷ lệ 98,9%; xác minh tài sản, thu nhập 414 người; ban hành 1.532 văn bản, hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 1.257 văn bản; tiến hành 1.006 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác 6.907 cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra việc công khai, minh bạch hoạt động của 2.698 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 1.882 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngành Thanh tra đã phát hiện 30 vụ, 63 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; giúp các ngành, các cấp tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN và xây dựng xong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật PCTN.

Thứ tư, TTCP và ngành Thanh tra quan tâm nghiên cứu, học tập quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, gắn với việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành, cơ quan, đơn vị thanh tra ngày càng vững mạnh. TTCP đã ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 64 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra, coi đây là nhiệm vụ then chốt và có tính chiến lược để bảo đảm hoạt động thanh tra thực sự có hiệu quả trong tương lai.

Mặc dù vậy, ngành Thanh tra vẫn còn có những việc chưa làm được, hiệu lực, hiệu quả thanh tra còn thấp, việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế. Thực trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng vẫn còn phổ biến, nghiêm trọng, đã và đang là nỗi trăn trở và thách thức rất lớn đối với ngành Thanh tra; tình hình KN, TC của công dân mặc dù đã có xu hướng giảm dần nhưng vẫn còn bức xúc và có một số diễn biến phức tạp, từ đó đặt ra nhiệm vụ cho ngành Thanh tra trong thời gian tới là rất nặng nề.

PV: Xin Tổng TTCP cho biết những định hướng năm 2017 của ngành Thanh tra trong công tác thanh tra, giải quyết KN, TC, PCTN và xây dựng ngành Thanh tra để thực hiện được mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp?

Tổng TTCP Phan Văn Sáu: Năm 2017, ngành Thanh tra chủ động bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác với các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, ngành Thanh tra sẽ tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ xảy ra tiêu cực, vi phạm, tham nhũng, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội để phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời; qua thanh tra kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. TTCP sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ thanh tra chuyên đề trên một số lĩnh vực: Môi trường, đất đai, quy hoạch, phát triển đô thị, giáo dục, đào tạo, bố trí đoàn đi nước ngoài; tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các bộ, ngành, địa phương trên các lĩnh vực cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; quản lý, tổ chức thực hiện quy chế tự chủ; đưa người lao động đi nước ngoài; quản lý và phát triển du lịch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTCP sẽ tiến hành thanh tra một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản; thanh tra việc chuyển nhượng bất động sản của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước ở những vị trí đắc địa, thuận lợi… Điểm mới nữa là ngành Thanh tra phải tập trung thực hiện bằng được chủ trương hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, theo đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra không chỉ thực hiện mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, mà còn phải hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó, không được hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; hạn chế chồng chéo và giảm tối đa mật độ thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Nhân đây tôi cũng có ý kiến với các doanh nghiệp là khi nhận được quyết định thanh tra, kiểm tra không có căn cứ pháp luật hoặc thấy có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thì kịp thời có ý kiến với cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm tra, đồng thời, phản ánh về TTCP để được hướng dẫn, giải đáp.

Thứ hai, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN, TC, nhất là Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời, có hiệu quả trên 85% mới phát sinh và trên 80% vụ việc tồn đọng, kéo dài. Chú trọng đối thoại, hòa giải, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo sự đồng thuận trong giải quyết. Quá trình giải quyết các vụ việc KN, TC của công dân phải nỗ lực đạt được mục tiêu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế đến mức tối đa để công dân bức xúc, KN, TC kéo dài, vượt cấp.

Thứ ba, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về PCTN, nhất là tập trung sửa đổi toàn diện Luật PCTN, chú trọng bổ sung được những giải pháp mới mang tính đột phá và mạnh mẽ; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cũng như trong phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế gắn với thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN.

Thứ tư, ban hành đầy đủ các quy trình nghiệp vụ của ngành Thanh tra và đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động của ngành. Quyết tâm xây dựng ngành Thanh tra ngày càng vững mạnh; chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; không ngừng rèn luyện người cán bộ thanh tra văn hóa, gương mẫu, tận tụy, khách quan, công tâm, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới”. Về lâu dài, ngành Thanh tra cần phải được đổi mới về tổ chức và hoạt động theo hướng tăng thẩm quyền và tính độc lập cho thanh tra, củng cố thanh tra chuyên ngành theo Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

PV: Xin Tổng TTCP cho biết cảm nhận của mình trong những tháng đầu đảm nhận vai trò Tổng Tư lệnh ngành Thanh tra?

Tổng TTCP Phan Văn Sáu: Tôi mới đảm nhận nhiệm vụ này được hơn nửa năm, chưa có thể cảm nhận được sâu sắc, nhưng tôi thấy đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp, nhạy cảm, nhất là trước những vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của doanh nghiệp, quyền và lợi ích chính đáng của công dân, và có thể nói đây là một trong những công việc rất khó khăn trong hoạt động quản lý Nhà nước hiện nay, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo ngành Thanh tra phải có tâm, có tầm, xử lý vấn đề khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi. Khó nhất của người làm công tác thanh tra là phải tìm ra được bản chất của sự việc, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật từ đó đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và đưa ra những giải pháp hữu hiệu, vừa có lý, vừa có tình, các biện pháp xử lý vi phạm phải nghiêm minh theo pháp luật, có tính răn đe để bảo đảm giữ được trật tự, kỷ cương, kỷ luật trong xã hội, nhưng cũng phải mang tính giáo dục, thuyết phục, phù hợp thực tế, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Là người đứng đầu ngành Thanh tra, tôi kêu gọi đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra cần kế thừa, phát huy truyền thống 71 năm xây dựng và phát triển của ngành, nỗ lực phấn đấu, đồng sức, đồng lòng, không ngừng trau dồi đạo đức, phẩm chất, năng lực công tác; bản lĩnh, sáng tạo, công tâm, khách quan, công bằng để hoàn thành trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng đặt lên vai chúng ta, chung sức xây dựng ngành Thanh tra ngày càng vững mạnh, góp phần vào việc xây dựng và phát triển đất nước.

PV: Xin trân trọng cám ơn Tổng Thanh tra!

PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/phat-huy-truyen-thong-nganh-thanh-tra-quyet-tam-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-thanh-tra-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-phong-chong-tham-nhung_t114c1059n112321