Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương Đại tướng Đoàn Khuê, xây dựng huyện Triệu Phong giàu mạnh

TRẦN XUÂN ANH, TUV, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong

Huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống, văn hóa và cách mạng, là quê hương của nhiều bậc hiền tài, những nhà lãnh đạo tài năng, xuất sắc của Đảng, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điển hình là Đại tướng Đoàn Khuê, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị, quân sự xuất sắc, luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, ở Triệu Phong đã xúc tiến thành lập các đội hương binh phòng vệ xóm làng, bố phòng Cửa Việt. Những cuộc nổi dậy của nhân dân Triệu Phong dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước ở địa phương khiến cho thực dân Pháp hoang mang, lo sợ.

Những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước trên quê hương Triệu Phong phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phong trào đấu tranh chống Pháp và phong kiến Nam triều ở Quảng Trị. Nhiều thanh niên, trai tráng lúc bấy giờ sớm giác ngộ cách mạng, tham gia vào tổ chức yêu nước Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, tiêu biểu như: Trần Ngung, Hoàng Thị Ái, Đoàn Lân, Lương Khoan, Hoàng Tường, Phạm Mông, Nguyễn Khảm, Hoàng Hữu Cảnh, Lê Ngọc Uynh và Lê Thế Hiếu... Năm 1927, Trần Hữu Dực sáng lập tổ chức Ái hữu dân Đoàn với thành phần gồm thanh niên, học sinh, nông dân, hoạt động theo mục đích, tôn chỉ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, là một tổ chức quần chúng cách mạng của Tỉnh bộ Thanh niên lúc bấy giờ.

Sự phát triển của phong trào yêu nước trên quê hương Triệu Phong là một trong những nhân tố quan trọng góp phần dẫn đến sự ra đời của các chi bộ Đảng. Đầu năm 1930, chi bộ An Tiêm, xã Triệu Thành và chi bộ Tường Vân, xã Triệu An ở huyện Triệu Phong ra đời đã đánh dấu mốc quan trọng trong giai đoạn lịch sử. Đây là 2 trong số 3 chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Từ cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến phong trào dân chủ (1936 - 1939) và cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939 - 1945), nhân dân Triệu Phong luôn một lòng theo Đảng, đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi kiếp lầm than, nô lệ. Hòa cùng phong trào cách mạng địa phương, người thanh niên trẻ tuổi Đoàn Khuê mang đầy nhiệt huyết cách mạng đã thoát ly gia đình, hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế, trở thành Bí thư Thanh niên phủ Triệu Phong. Sau vụ rải truyền đơn hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn theo chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Trị và Phủ ủy Triệu Phong, đồng chí Đoàn Khuê bị địch bắt và giam cầm.

Suốt 5 năm bị thực dân Pháp cầm tù, từ nhà lao Quảng Trị cho đến nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Đoàn Khuê luôn tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất trước những thủ đoạn tra tấn của kẻ thù. Khi thoát khỏi cảnh lao tù, đồng chí về hoạt động cách mạng ở Quảng Bình rồi được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh của tỉnh. Trong những ngày sục sôi khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí tham gia giành chính quyền ở Quảng Bình. Từ năm 1946, đồng chí Đoàn Khuê được điều vào hoạt động ở chiến trường Khu 5, Khu 4 và gắn bó mật thiết với chiến trường Khu 5 trong gần một phần ba thế kỷ.

Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, bằng ý chí quyết tâm sắt đá, chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ, Đảng bộ, quân và dân Triệu Phong đã làm nên những thắng lợi to lớn, những chiến công vang dội. Các chiến khu Chợ Cạn, Ba Lòng, Triệu Phong là hậu phương lớn, là tiền tuyến đánh giặc, là bàn đạp cho lực lượng vũ trang Bình - Trị - Thiên. Dù hoạt động cách mạng ở Khu 5, đồng chí Đoàn Khuê vẫn luôn hướng về Triệu Phong, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực chiến đấu không ngừng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đối mặt với những âm mưu thủ đoạn chiến tranh của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Triệu Phong đã đồng tâm hiệu lực, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, từng bước làm thất bại âm mưu, thủ đoạn leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ. Là chiến trường trực tiếp tiêu diệt địch, những tên làng, tên đất của huyện Triệu Phong như Ái Tử, Nhan Biều, Long Quang, Thạnh Hội, Cửa Việt... đã đi vào lịch sử, trở thành niềm tự hào của các thế hệ con em Triệu Phong.

Trong bom đạn bạo tàn của quân thù, con người Triệu Phong vẫn giữ vững niềm tin về ngày thắng lợi cuối cùng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với những người con quê hương Triệu Phong, đồng chí Đoàn Khuê tiếp tục nỗ lực phấn đấu không ngừng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó. Từ tháng 11 năm 1954 đến năm 1962, đồng chí Đoàn Khuê tạm xa Liên khu 5, lần lượt giữ các chức vụ như Chính ủy Sư đoàn 675; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 351, Chính ủy Lữ đoàn 341 khu vực giới tuyến quân sự, Phó Chính ủy Quân khu 4, Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 4.

Năm 1963, đồng chí Đoàn Khuê trở lại chiến trường Quân khu 5 với cương vị Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Phó Chính ủy Quân khu, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu 5... Dù ở trên cương vị nào, đồng chí Đoàn Khuê cũng đem hết sức mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân, đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Sau ngày huyện Triệu Phong được giải phóng (29/4/1972), làng mạc, đường sá bị tàn phá nặng nề; ruộng, vườn bị bom đạn cày xới, đất đai bị nhiễm nặng bom đạn; y tế, giáo dục còn nhiều lạc hậu; nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Đứng trước bộn bề chông gai, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua được, Đảng bộ Triệu Phong đã lãnh đạo Nhân dân từng bước khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất; phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, đồng thuận, huy động tốt các nguồn lực, khai thác có hiệu quả, tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong dịp về thăm quê hương Triệu Phong, Đại tướng Đoàn Khuê đã nêu lên nhiều vấn đề mang tính chất gợi mở: Đời sống bà con từng vùng như thế nào? Vùng biển thì ngư trường đánh bắt, ngư lưới cụ ra sao? Cuộc sống vật chất, tinh thần của bà con đã thay đổi so với trước như thế nào? Đối với vùng đồng bằng, năng suất lúa đạt bao nhiêu? Ngoài cái ăn, có dư để làm hàng hóa không? Vùng gò đồi có bao nhiêu hecta? Độ che phủ rừng bao nhiêu?... Tìm lời giải cho những vấn đề Đại tướng gợi mở, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Triệu Phong đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xây dựng quê hương vững bước đi lên.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Triệu Phong đã đạt trên 12%. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%, hộ cận nghèo còn 3,9%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; các mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng hiệu quả. Huyện đã tập trung xây dựng đưa vào khai thác các cụm công nghiệp, làng nghề; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và tạo môi trường thuận lợi để xúc tiến đầu tư; phát triển thương mại, dịch vụ.

Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể. Sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được chú trọng; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền các cấp có hiệu lực, hiệu quả; phòng chống hiệu quả suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đã đạt được kết quả quan trọng; bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc, đến nay toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với những thành quả đạt được, huyện Triệu Phong đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023.

Những thành tựu quan trọng đó đã và đang tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của quê hương, đồng thời tô thắm truyền thống anh hùng, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, đổi mới sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong; thỏa nguyện niềm trăn trở, mong đợi của Đại Tướng Đoàn Khuê với quê hương.

Trải qua 30 năm đồng hành với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, huyện Triệu Phong đã có hơn 5.000 anh hùng liệt sĩ là con em huyện nhà, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ phải chịu cảnh tù đày, có 648 mẹ Việt Nam anh hùng, toàn Đảng bộ có 24 tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước ghi nhận trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Triệu Phong hôm nay từng ngày thay da đổi thịt với diện mạo mới từ nông thôn đến đô thị.

Cùng với toàn tỉnh, huyện Triệu Phong đang bước vào thời kỳ hội nhập phát triển với những thuận lợi, thời cơ đan xen những khó khăn và thách thức. Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Triệu Phong quyết tâm xây dựng quê hương vững bước đi lên, xứng đáng với bề dày truyền thống và sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng với mong ước của Đại tướng Đoàn Khuê lúc sinh thời. Những lời căn dặn của đồng chí Đoàn Khuê đã và đang được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Triệu Phong nỗ lực thi đua, phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/phat-huy-truyen-thong-cach-mang-tren-que-huong-dai-tuong-doan-khue-xay-dung-huyen-trieu-phong-giau-manh/180886.htm