Phát huy tiềm năng khoáng sản

Hôm qua (13/3), lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (ĐC&KS). Dự thảo Luật được kỳ vọng thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, định hướng chiến lược ĐC&KS và công nghiệp khai khoáng đến 2030, tầm nhìn 2045.

Ảnh minh họa.

Một điều đáng lưu ý, trước đó 1 ngày, cũng về vấn đề khoáng sản, UBND tỉnh Đắk Nông đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ TN&MT. Tại cuộc làm việc này, nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến khoáng sản, đặc biệt là quy hoạch khoáng sản, đã được đặt ra rất rõ ràng.

Đại diện UBND tỉnh cho biết, 1/3 diện tích tỉnh thuộc quy hoạch bô xít. Hiện có 1/9 mỏ bô xít đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng được cấp phép khai thác. Hàng năm, có khoảng 100ha được địa phương giao để lấy quặng bô xít cho Nhà máy alumin Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn/năm. Và nếu chỉ cung cấp cho nhà máy này thì phải mất gần 400 năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bô xít trên địa bàn tỉnh. Trong khi nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội rất cần kíp lại không thể thực hiện do vướng quy hoạch bô xít.

Một nghịch lý khác là dù đất rộng mênh mông, nhưng vướng quy hoạch bô xít, nên UBND tỉnh Đắk Nông còn nợ người dân 400 lô tái định cư. “Nếu còn triển khai đến 4 - 5 nhà máy thì tiếp dân khiếu kiện suốt ngày vì dân bị thu hồi đất không có nơi tái định cư, định canh”, đại diện UBND tỉnh nói. Chưa hết, nhà máy alumin đã có hơn 300ha đất hoàn thổ rồi trồng keo, tràm xong thì để hoang, không hiệu quả. “Tại sao không giao về địa phương để sử dụng, các anh giữ lại để hoang làm gì? Nếu 300ha đất đó trả về địa phương thì chúng tôi thực hiện tái định cư cho dân ngay. Nhiều hội nghị chúng tôi chảy nước mắt vì bô xít có tiềm năng nhưng cản trở, gây khó cho dân”, đại diện UBND tỉnh nói rõ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ TN&MT chia sẻ, Đắk Nông có lợi thế là sống trên tài sản quốc gia, trên một núi khoáng sản quý, “nhưng muốn đụng vào cái gì cũng vướng bô xít cả. Trong khi nếu triển khai các dự án theo quy hoạch bô xít cũng chỉ được một phần của tiềm năng”.

Để gỡ vướng, lãnh đạo Bộ chỉ đạo Cục Khoáng sản, địa chất cần về lại với địa phương, rà soát đối chiếu quy hoạch bô xít, xem xét nhu cầu của tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh có văn bản đề nghị cụ thể từng khu vực đưa ra khỏi quy hoạch. “Trong vòng 2 tháng, chúng ta phải có báo cáo”, lãnh đạo Bộ đề nghị. Về vấn đề đất hoàn thổ lại chỉ để trồng keo, lãnh đạo Bộ yêu cầu rà soát lại quy định nhằm thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ để trả đất sớm về cho địa phương cấp lại cho dân.

Thực tế vướng mắc như trên và cách giải quyết vướng mắc đã nêu, càng cho chúng ta thấy sự quan trọng của vấn đề đồng bộ quy định pháp luật và luôn cần bám sát thực tế để phù hợp thực tế. Trong cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật ĐC&KS ngày hôm qua, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan liên quan phải thiết kế các quy định của Luật bảo đảm đồng bộ các pháp luật liên quan; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; tập trung đầu mối quản lý quy hoạch, dữ liệu điều tra, thăm dò ĐC&KS… Bảo đảm các yếu tố đó, mới phát huy được tối đa tiềm năng lợi thế của khoáng sản, hài hòa lợi ích các bên.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-huy-tiem-nang-khoang-san-post506392.html