Phát huy thế mạnh nông nghiệp đô thị

Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, bền vững là nội dung chủ yếu của chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố có thể chia thành hai loại hình: tận dụng các mảnh đất trống diện tích nhỏ, khoảng trống trên sân thượng các nhà cao tầng để trồng nhằm đáp ứng một phần rau xanh cho nhu cầu gia đình và sản xuất nông nghiệp tập trung ở khu vực ven đô, các xã nông thôn ngoại thành. Mô hình trồng trọt nhỏ lẻ, phân tán có ưu điểm là sản phẩm an toàn, giúp người trồng thư giãn, giải trí ngoài giờ làm việc, nhưng chỉ là hình thức tự cung tự cấp, và không phải gia đình nào cũng có điều kiện áp dụng. Với lợi thế diện tích rộng, được quy hoạch thành những vùng chuyên canh, hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, đầu tư lớn, đội ngũ nông dân có trình độ canh tác cao, giỏi áp dụng khoa học, công nghệ, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường; sản phẩm hàng hóa đa dạng, sản lượng lớn..., nông nghiệp đô thị khu vực ngoại thành là nơi cung cấp phần lớn nhu cầu thực phẩm tươi sống cho thị trường thành phố.

Theo Cục Thống kê thành phố, chín tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt hơn 8.200 tỷ đồng, trong đó ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 7.700 tỷ đồng. Tuy chiếm tỷ trọng không cao trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố nhưng sản xuất nông nghiệp đang là nguồn thu nhập chính của hàng trăm nghìn hộ nông dân ngoại thành, cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn. Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá bán nông sản sạch, an toàn thường cao hơn nông sản thông thường. Những cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ còn có giá cao hơn nữa. Ngoài thực phẩm, hoa tươi, cây cảnh, cá cảnh cũng là nhu cầu của người dân thành phố mà nền nông nghiệp đô thị cần phải chú ý. Thực tế sản xuất nông nghiệp cho thấy, trên cùng một diện tích canh tác, trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh có hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng cây lương thực, thực phẩm.

Để sản xuất nông nghiệp thật sự phát triển bền vững, hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, đề nghị thành phố đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững; liên kết các hợp tác xã, tổ sản xuất, các hộ nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, ngành nông nghiệp thành phố cần tăng cường vận động nông dân thực hiện quy trình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn, chất lượng cao; từng bước hình thành, nhân rộng các vùng chuyên canh rau sạch; hoa tươi, cây cảnh, cá cảnh cung cấp cho thị trường thành phố và xuất khẩu; tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thành phố theo hướng trở thành trung tâm sản xuất, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cho thị trường, thật sự xứng tầm vị trí trung tâm kinh tế, khoa học, dịch vụ của cả nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/dan-biet-dan-ban/item/31234502-phat-huy-the-manh-nong-nghiep-do-thi.html