Phát huy thế mạnh của địa phương để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, các huyện, thị xã, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa thế mạnh của địa phương để phấn đấu đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, hiện nay, toàn Thành phố có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các địa phương sau khi đạt tiêu chí nông thôn mới đều đã và đang nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Các địa phương sau khi đạt tiêu chí nông thôn mới đều đã và đang nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ngoài ra, có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao (gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai), trong đó, có 3 huyện (gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới của Thành phố thẩm định đủ điều kiện đề nghị các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, 3 huyện còn lại là Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và các chỉ tiêu để hoàn thành hồ sơ trong các tháng cuối năm 2023 và quý I/2024.

Năm 2023, thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới của Thành phố đang tập trung đánh giá tại các địa phương, dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong tháng 11/2023, Đoàn thẩm định nông thôn mới của Thành phố đã thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Tất cả các xã đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đặc biệt, có 2 xã (gồm: Yên Mỹ và Đại Áng) chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực gồm môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Đây là 2 xã đầu tiên của Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, cả 8 xã được đánh giá nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2023 đều mới đạt nông thôn mới nâng cao năm 2022. Phát huy kết quả đạt được, các xã tiếp tục chọn thế mạnh của địa phương để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với cách làm bài bản, cộng với nền tảng vững chắc từ các năm trước, nên khi đối chiếu với hướng dẫn đánh giá, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đều đạt tiêu chí đề ra.

Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các địa phương đã đạt tiêu chí nông thôn mới đều đã và đang nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đơn cử như xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây đang nỗ lực đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, cùng nhau hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Xã Xuân Sơn cũng chú trọng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện, 100% đường trục, đường liên thôn của xã dài 26,45km đã được bê tông hóa; hơn 90% tuyến đường có rãnh thoát nước, được trồng cây bóng mát và hoa ven đường, tạo cảnh quan sạch đẹp; các mô hình bảo vệ môi trường, như: Đường tự quản của phụ nữ, thanh niên, nông dân được duy trì; hơn 90% số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn... Tính đến tháng 11/2023, thu nhập bình quân chung của toàn xã đạt 69,62 triệu đồng/người/năm, xã chỉ còn 11 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều (chiếm tỷ lệ 0,5% số hộ dân).

Phát huy những kết quả đã đạt trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Thành phố đã xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 để trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua. Đề án đã xác định rõ 14 nhóm giải pháp.

Theo đó, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cấp cơ sở vật chất ngành giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực ở nông thôn…

Thành phố cũng chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc; nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-the-manh-cua-dia-phuong-de-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-163167.html