Phát huy sức mạnh nội tại của tổ chức Công đoàn

Đoàn viên là nhân tố quyết định sự phát triển của Công đoàn. Theo đó, cần hiểu đúng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, bởi Công đoàn không chỉ là điểm tựa mà còn là người đồng hành với họ. Muốn vậy, Công đoàn cần cung cấp các dịch vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả cho đoàn viên của mình... Đó là những kinh nghiệm được chia sẻ và rút ra nhằm nâng cao vai trò của Công đoàn trong bối cảnh hội nhập.

Phát huy vai trò Công đoàn để thu hút đoàn viên

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Patuan Samosir - Trưởng ban Tổ chức và Dự án của Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ITUC-AP) cho biết: Hiện, ITUC-AP có 59 tổ chức thành viên ở 34 quốc gia, đại diện cho 60 triệu đoàn viên công đoàn.

Cán bộ Công đoàn tham dự hội thảo. Ảnh: B.D

Tuy nhiên, những tác động của đại dịch Covid-19 đã gây những thách thức không nhỏ đối với tổ chức Công đoàn và lực lượng lao động, trong đó ảnh hưởng rõ nhất là số đoàn viên công đoàn bị giảm sút. Bên cạnh đó, việc làm phi chính thức, việc làm bấp bênh khá phổ biến, ảnh hưởng đến an toàn việc làm của người lao động nói chung. Bằng chứng là có hơn 850 triệu người lao động trong khu vực bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa, giãn cách xã hội, người lao động không được hưởng đầy đủ các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, tiền lương thấp; trong đó có tới 89 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực, mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc người lao động không được hưởng các quyền lao động cơ bản.

Theo ông Patuan Samosir, việc người lao động trong khu vực tham gia vào tổ chức Công đoàn còn thấp (đa số tại các quốc gia chỉ ghi nhận tỷ lệ đoàn viên tham gia Công đoàn quanh mức 10% hoặc thấp hơn, tại Việt Nam có cao hơn - khoảng 20%) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đại diện, thương lượng, bảo vệ đoàn viên, người lao động. Cùng với đó, việc phát triển, tập hợp đoàn viên những nơi chưa có tổ chức Công đoàn cũng chưa được quan tâm.

Từ thực tế trên, ông Patuan Samosir nhấn mạnh: Công đoàn trong khu vực cần tiếp tục chú trọng công tác phát triển đoàn viên, phát huy tinh thần đoàn kết trong khu vực để đấu tranh tập thể vì quyền của người lao động. Trong hoạt động, Công đoàn phải gắn với quyền lợi đoàn viên, điều này liên quan trực tiếp đến tỷ lệ đoàn viên tham gia vào tổ chức Công đoàn.

“Công đoàn phải chứng minh được tính phù hợp và có vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của đoàn viên - đây sẽ là nguyên nhân chính thu hút đoàn viên tiềm năng và giữ chân đoàn viên hiện có. Mỗi nơi, mỗi tổ chức sẽ có sáng kiến riêng, nhưng phải hành động nhanh, vì tình hình thế giới cũng như khu vực hiện nay đang biến đối nhanh. Chúng ta cần tập hợp được người lao động vào tổ chức, qua đó mới có thể củng cố và khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn”, ông Patuan Samosir nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Jonathan Tan - đại diện Công đoàn Singapore (NTUC) cho biết, NTUC là Trung tâm Công đoàn quốc gia duy nhất đại diện cho hơn 900.000 đoàn viên trong các ngành nghề, gồm 58 Công đoàn thành viên. NTUC tạo sự tín nhiệm và lòng tin cậy để thu hút đoàn viên, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên và tương lai của họ; kiến tạo sự tương đồng trong mục đích giữa Công đoàn với Chính phủ, doanh nghiệp; tạo sự hấp dẫn đầu tư và tương hỗ trong quyền lợi giữa người lao động với người sử dụng lao động; tổ chức vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động nhằm tạo ra bầu không khí làm việc tích cực để vun đắp mối liên kết ổn định trong doanh nghiệp và triệt để tuân thủ các quy định tại nơi công cộng.

Hoạt động công đoàn tại Singapore không chỉ mang lợi ích đến đoàn viên trong mọi lĩnh vực, không chỉ bảo vệ quyền lợi của họ tại nơi làm việc, phát triển kỹ năng, kiến thức để phát triển nghề nghiệp, bố trí công việc tốt mà còn đã cung cấp hệ thống dịch vụ rất đặc quyền cho đoàn viên. Điển hình như xây dựng hệ thống siêu thị bán hàng giá rẻ, xây dựng quỹ bảo hiểm cho người lao động, vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ hỗ trợ cho công nhân khó khăn... Cùng với đó là tích cực thúc đẩy việc phát triển đoàn viên trong lĩnh vực mới, tiêu biểu là các nghiệp đoàn các đối tác/nhà thầu độc lập (trên nền tảng công nghệ)…

Lấy sự hài lòng của đoàn viên làm tiêu chí hoạt động

Đồng tình với quan điểm sức mạnh của tổ chức Công đoàn thể hiện ở số lượng đoàn viên, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng: Việc củng cố nội bộ tổ chức là rất quan trọng. Một khi Công đoàn có sức mạnh nội tại, có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng và phù hợp với nguyện vọng của người lao động thì không có bất cứ khó khăn, thử thách nào đáng lo ngại. Vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi nhận thức của người lao động về tổ chức Công đoàn và quan điểm về phúc lợi mang tính phổ quát cho đoàn viên.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải: Hiện nay, các cấp Công đoàn Việt Nam đang tập trung chuẩn bị tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028, quyết định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong 5 năm tới.

Do đó, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cán bộ Công đoàn các cấp nhận diện đầy đủ hơn về tình hình phong trào công nhân, Công đoàn trong khu vực, kinh nghiệm quốc tế liên quan đến quy định pháp luật về quyền lao động, quyền Công đoàn trong một số lĩnh vực cụ thể như: Quyền đại diện đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp; vai trò đoàn viên đối với hoạt động công đoàn; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và thực tiễn triển khai hoạt động công đoàn, phát triển đoàn viên…

“Đoàn viên đóng vai trò quyết định lựa chọn tổ chức nào sẽ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Công đoàn Việt Nam cần chủ động tiếp cận, thường xuyên đối thoại để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Hoạt động công đoàn không xuất phát từ những điều tưởng như đơn giản này thì rất khó giữ chân đoàn viên và thu hút người lao động. Nếu chúng ta đánh giá nguyện vọng của đoàn viên phù hợp với mục tiêu hoạt động của Công đoàn thì chúng ta sẽ thành công”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Từ kết quả thảo luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh, các cấp Công đoàn cần quan tâm đến chính sách pháp luật. Theo ông Hải, tổ chức Công đoàn ở bất kỳ quốc gia nào cũng chịu sự chi phối của pháp luật. Nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn là tham gia với Chính phủ để xác lập những quyền lợi căn cơ cho người lao động. Đó là Công đoàn đang bảo vệ người lao động toàn diện và từ xa.

Hai là, sự bất bình đẳng trong xã hội vẫn gia tăng, những vấn đề cơ bản về quyền con người vẫn còn tồn tại; việc làm của người lao động đang thay đổi, chuyển động, đó là tiền lương và an sinh xã hội. Công đoàn phải nắm cụ thể, thích ứng kịp thời với sự thay đổi. Kết quả phát triển đoàn viên của tổ chức Công đoàn Việt Nam đang có điểm sáng hơn nhiều quốc gia trong khu vực nhưng trách nhiệm và nhiệm vụ còn rất nặng nề ở phía trước, hoạt động công đoàn cần chủ động hơn, thiết thực hơn đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ba là, đoàn viên là nhân tố quyết định sự phát triển của Công đoàn, lực lượng đoàn viên có mạnh thì Công đoàn mới vững. Cần hiểu đúng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, bởi Công đoàn không chỉ là điểm tựa mà còn là người đồng hành với họ. Muốn vậy, Công đoàn cần thường xuyên sinh hoạt đoàn viên bằng hình thức phù hợp, tránh hành chính; phải cung cấp các dịch vụ, cơ chế, giải pháp hiệu quả cho đoàn viên của mình.

“Đánh giá kết quả hoạt động công đoàn phải do đoàn viên, lấy sự hài lòng của đoàn viên làm tiêu chí, có như vậy Công đoàn mới thực sự “của người lao động, do người lao động và vì người lao động”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh./.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-suc-manh-noi-tai-cua-to-chuc-cong-doan-144967.html