Phát huy sức mạnh của HTX để xây dựng nông thôn mới Bắc Kạn

Kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn không ngừng tăng về số lượng HTX, số thành viên, nguồn vốn và doanh thu của mỗi HTX, đồng thời chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao. Nhiều HTX thực sự là điểm tựa cho các hộ thành viên và người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu xây dựng 6 xã nông thôn mới nâng cao, bao gồm 4 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn năm 2023: xã Khang Ninh, huyện Ba Bể; xã Đồng Thắng huyện Chợ Đồn; xã Cường Lợi, huyện Na Rì; xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn và 2 xã chưa đạt chuẩn trong lộ trình phấn đấu năm 2022: xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông; xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể. Song song đó, củng cố, duy trì các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới còn lại phấn đấu đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí nông thôn mới nâng cao so với năm 2022.

Liên kết để phát triển kinh tế

Để hoàn thành mục tiêu có thêm 4 xã về đích nông thôn mới, 1 xã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023, ngay từ đầu năm, huyện Chợ Đồn đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp để tổ chức thực hiện các tiêu chí. Trong đó, huyện đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển các HTX để trở thành nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình nuôi lợn rừng của HTX Quỳnh Trang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các thành viên có mức lương ổn định.

Điển hình là huyện đã hỗ trợ HTX Quỳnh Trang ở xã Đồng Thắng triển khai Dự án chuỗi liên kết nuôi lợn thịt bản địa (lợn rừng lai) thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Hiện nay, HTX thực hiện với quy mô 400 con/chu kỳ, đồng thời liên kết với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại 366 tại tỉnh Hải Dương để phân phối giống và lợn thương phẩm ra thị trường.

Trung bình mỗi năm, HTX Quỳnh Trang cung cấp ra thị trường khoảng 700 con lợn rừng thương phẩm và lợn giống, với doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập này, HTX có điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi và trồng trọt. Hiện nay, tổng diện tích đất thuộc sở hữu của HTX lên đến hơn 20ha. Chăn nuôi phát triển, đầu ra tiêu thụ cho thịt lợn rừng thương phẩm ngày càng ổn định, HTX Quỳnh Trang đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên, với mức lương từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Đại diện HTX cho biết, trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi và tăng số đàn lợn rừng để cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường.

Sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ nông sản vùng cao

Huyện Chợ Đồn cũng hỗ trợ HTX Hồng Luân triển khai Dự án liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Bao thai Chợ Đồn, với quy mô 20ha/năm, 70 hộ tham gia được hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu thực hiện tại xã Tân Lập. HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh.

Chị Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân chia sẻ: sản phẩm gạo Bao Thai được HTX chế biến ra sản phẩm bún khô Hồng Luân. Hiện nay, sản phẩm này đã khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của HTX.

“Để sản phẩm bún khô Hồng Luân phát triển như hiện nay, HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Nguyên tắc là dùng 100% gạo Bao thai mới, HTX đã liên kết trồng 40ha lúa Bao thai ở các xã phía Bắc của huyện, gồm: Tân Lập, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Nam Cường để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. Bên cạnh bún khô truyền thống, HTX phát triển thêm sản phẩm bún khô làm từ các loại cây, quả đặc trưng của địa phương, vừa bắt mắt, lại tốt cho sức khỏe”, chị Luân cho hay.

Thông qua tiếp cận các nguồn vốn, nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, HTX Hồng Luân đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, nhà sấy tái tạo năng lượng mặt trời… để chủ động trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất. Đồng thời, HTX mở rộng, đa dạng hóa các mặt hàng như: Chè khô, măng khô, bánh khảo làm từ Khẩu Nua Pái. Các sản phẩm này đều là sản phẩm lợi thế của địa phương, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Năm 2022, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng. HTX tạo việc làm cho nhiều thành viên, lao động địa phương với mức lương từ 4-4,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2023, HTX Hồng Luân định hướng tiếp tục đưa một số sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); nâng hạng sản phẩm Bún khô Hồng Luân lên 4 sao OCOP; thử nghiệm sản xuất một số mặt hàng mới như hoa quả sấy; tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Nâng cao số lượng và chất lượng HTX

Thực hiện tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, HTX.

Đến nay, kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng HTX và tổ hợp tác, số thành viên, nguồn vốn và doanh thu của mỗi HTX, tổ hợp tác, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao. Nhiều HTX thực sự là điểm tựa cho các hộ thành viên và người dân nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 288 HTX, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã thành lập mới được 60 HTX.

Các HTX thúc đẩy sản phẩm thế mạnh góp phần xây dựng nông thôn mới ở huyện Chợ Đồn

Nhiều HTX hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Điển hình như: HTX Miến dong Tài Hoan, HTX Yến Dương, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang, HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX Đại Hà, HTX Hương Ngàn, HTX Thiên An, HTX Sang Hà, HTX Nhung Lũy… Các HTX thành lập mới theo hướng liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ với một số sản phẩm cây, con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất như cây chè, chế biến các sản phẩm từ gạo, dong riềng…

Thời gian qua, cùng với việc hỗ trợ thành lập các HTX, tỉnh Bắc Kạn cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, mua sắm nhiều hạng mục cho HTX nông nghiệp như: Hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, lắp đặt lò sấy, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho cán bộ quản lý HTX... Các HTX hoạt động theo mô hình kiểu mới đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP. Đến nay, Chương trình OCOP đã tạo nên làn sóng phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác ở các địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương đã thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống. Hiện tại, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 131 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó sản phẩm miến dong Tài Hoan được chứng nhận 5 sao cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm của các HTX đã thực sự có chỗ đứng vững trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương như các sản phẩm: cam, quýt, miến dong, bún, phở khô, tinh bột nghệ…

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/phat-huy-suc-manh-cua-htx-de-xay-dung-nong-thon-moi-bac-kan-1095318.html