Phát huy sự chủ động, trách nhiệm của giáo viên trong chọn SGK

Các cơ sở giáo dục trên cả nước gấp rút lựa chọn sách giáo khoa năm học 2024 - 2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo Chương trình GDPT 2018.

Giáo viên và học sinh tham khảo sách giáo khoa các nước trên thế giới tại sự kiện do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2022. Ảnh: Đăng Chung

Giáo viên và học sinh tham khảo sách giáo khoa các nước trên thế giới tại sự kiện do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2022. Ảnh: Đăng Chung

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, quyền chọn được giao các trường và phát huy sự chủ động, trách nhiệm của giáo viên.

Ông Nguyễn Như Học, Trưởng phòng GDTrH&GDTX (Sở GD&ĐT Bắc Ninh): Hướng tới lợi ích của học sinh

Việc giao quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho nhà trường là hướng đi đúng, bởi người trực tiếp sử dụng là giáo viên và học sinh. Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Bắc Ninh thành lập hệ thống giáo viên cốt cán, tổ chức sinh hoạt chuyên môn vừa thực hiện tốt nâng cao chất lượng đào tạo vừa tham mưu thực hiện việc lựa chọn SGK.

Ông Nguyễn Như Học.

Ông Nguyễn Như Học.

Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh trong tháng 2/2024 ban hành tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2024 - 2025. Việc lựa chọn SGK tuân thủ nguyên tắc và quy định tại Thông tư số 27 (ngày 28/12/2023) của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời đảm bảo các tiêu chí gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông; các yếu tố đi kèm với SGK đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trong đó, đối với tiêu chí phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, nội dung SGK phải đảm bảo tính phát triển, ngôn ngữ và cách thức thể hiện gần gũi với học sinh, phù hợp với văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý của tỉnh Bắc Ninh.

Nội dung và cấu trúc SGK đảm bảo tính mở, linh hoạt, có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng nhận thức và năng lực học tập của học sinh tại địa phương; đồng thời, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Về tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, SGK được trình bày cân đối, hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh. Kênh chữ và kênh hình có chọn lọc, đảm bảo tính chính xác, khoa học và giáo dục. Nội dung các bài học thiết thực, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lí.

Ngoài ra, thiết kế bài học/chủ đề trong SGK giúp giáo viên linh hoạt lựa chọn phương án, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương. Các nội dung, chủ đề trong SGK có kiến thức phong phú, giúp giáo viên gắn kết nội dung bài học với thực tiễn, đảm bảo mục tiêu dạy học; áp dụng nhiều hình thức và phương pháp đánh giá học sinh.

Công tác tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên sử dụng SGK đảm bảo thời gian, chất lượng và hiệu quả. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho SGK tương thích, chính xác, đa dạng và hữu ích; công tác phát hành SGK thuận lợi, đầy đủ, kịp thời.

Sau khi các nhà trường hoàn thành lựa chọn SGK, Sở GD&ĐT thành lập Hội đồng thẩm định, rà soát hồ sơ lựa chọn SGK của các đơn vị, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 9, lớp 12 sử dụng tại mỗi đơn vị trên địa bàn từ năm học 2024-2025 trước 30/4/2024..

Bắc Ninh lưu ý, lựa chọn được bộ SGK phù hợp, tiêu chí quan trọng nhất là hướng đến lợi ích của học sinh. Qua rà soát sơ bộ từ các nhà trường thì cơ bản việc này được duy trì ổn định, thống nhất trong nhiều năm, không có xáo trộn việc dạy và học cơ bản với những bộ sách chính như: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống…

Cô Lê Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai (quận Hà Đông, TP Hà Nội): Bài bản 4 bước và công khai danh mục

Cô Lê Thị Hiền.

Cô Lê Thị Hiền.

Từ ngày đầu thành lập, Ban Mai đã định hướng phát triển năng lực cho học sinh nên toàn bộ chương trình, phương pháp học tập, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá đều hướng đến mục tiêu trên. Khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường có nhiều điều kiện để phát huy.

Với lớp 5 năm học 2024 – 2025, Trường Tiểu học Ban Mai căn cứ vào giá trị cốt lõi, tầm nhìn sứ mệnh của nhà trường, giáo viên nghiên cứu chương trình, đánh giá ưu và nhược điểm của từng bộ SGK và đưa ra đề xuất.

Quy trình được thực hiện 4 bước: Tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu toàn bộ nội dung bài học từng môn học của các bộ SGK lớp 5 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt tại Quyết định số 4119 (ngày 1/12/2023) và Quyết định số 392 (ngày 26/1/2024).

Tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên trong tổ nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học và SGK các môn chuyên biệt thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một SGK cho mỗi môn học; báo cáo Hiệu trưởng danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn.

Hiệu trưởng tổ chức cuộc họp với Ban chỉ đạo. Trên cơ sở danh mục SGK do các Tổ chuyên môn đề xuất; Ban chỉ đạo lựa chọn một SGK cho mỗi môn học. Cuối cùng, ban chỉ đạo tổng hợp đề xuất lựa chọn của nhà trường báo cáo về Phòng GD&ĐT quận Hà Đông danh mục SGK do nhà trường đề xuất lựa chọn. Nhà trường thực hiện công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn sử dụng trong đơn vị năm học 2024 – 2025 và niêm yết tại nhà trường trước khi bước vào năm học mới.

Qua nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, các bộ SGK mới đều viết theo hướng mở, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội là hướng đến phát triển năng lực người học. Sách được biên soạn rõ nội dung và mục tiêu cho từng hoạt động. Hệ thống các dữ liệu, câu hỏi, hoạt động giúp giáo viên dễ thực hiện. Giáo viên không quá phụ thuộc vào một bộ sách mà có thể dựa vào các bộ sách để xây dựng kế hoạch bài giảng phù hợp mục tiêu, định hướng và trình độ học sinh.

Cô Đặng Thị Ngọc Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội): Bài bản, khoa học và trách nhiệm

Cô Đặng Thị Ngọc Hường.

Cô Đặng Thị Ngọc Hường.

Việc lựa chọn SGK theo Chương trình GDPT 2018 là vô cùng quan trọng. Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường chủ động thực hiện quy trình khoa học, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc nghiên cứu, lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện, đặc điểm của nhà trường.

Ban giám hiệu chỉ đạo các tổ chuyên môn lựa chọn bộ sách phù hợp cho năm học. Các tổ chuyên môn sẽ họp, thảo luận và bỏ phiếu chọn bộ sách sử dụng giảng dạy cho năm học tiếp theo.

Sau 3 năm sử dụng, các bộ SGK giảng dạy khối lớp 6, 7 và năm học này là lớp 8, các thầy cô giáo hiểu rõ Chương trình GDPT 2018, từ đó có kinh nghiệm hơn trong việc lựa chọn bộ SGK nào phù hợp để giảng dạy. Các tổ chuyên môn sau mỗi năm học sẽ họp để đánh giá chung về việc sử dụng các bộ sách, từ đó thảo luận, lấy ý kiến để lựa chọn SGK cho năm học tiếp theo.

Hiện có 3 bộ sách được lựa chọn giảng dạy chính trong nhà trường: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Đối với bộ môn Tiếng Anh, tổ nhóm chuyên môn lựa chọn sử dụng bộ sách Global Success. Mỗi bộ môn lại có sự lựa chọn riêng theo nội dung từng bộ sách sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Riêng đối với bộ môn Toán học, khối lớp 6, 7 tổ chuyên môn lựa chọn bộ Cánh Diều để giảng dạy; sang đến khối lớp 8, 9 lựa chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Mai Anh, Tổ trưởng tổ Toán - Công nghệ - Tin học, Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình, Hà Nội: Giúp giáo viên chủ động trong giảng dạy

Cô Nguyễn Thị Mai Anh.

Cô Nguyễn Thị Mai Anh.

Đối với bộ môn Toán, để thay đổi nguồn tư liệu tiếp cận, việc lựa chọn hai bộ sách khác nhau ở khối 6, 7 và 8, 9 giúp giáo viên và học sinh linh động trong quá trình dạy và học.

SGK là tư liệu tham khảo rất quan trọng, khi được tự chủ trong việc lựa chọn, giáo viên sẽ có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học ở các nhà trường. Qua đó, giúp phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo và phù hợp với thực tế dạy học hiện nay.

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, học sinh theo học chương trình đã quen dần với phương pháp và nội dung của các bộ sách. SGK với nhiều nội dung được đổi mới, góp phần thu hút học sinh trong việc nghiên cứu môn học, thúc đẩy phát triển năng lực. Phần lớn các bộ sách đã được lựa chọn từ năm học trước sẽ tiếp tục được chọn sử dụng cho năm học tới. Các em học sinh rất hào hứng, chăm chỉ trong việc nghiên cứu SGK mới do nội dung, hình thức được xây dựng và thiết kế đảm bảo chất lượng và có tính thẩm mĩ.

Cô Lê Hải Vân, giáo viên Trường Tiểu học Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học

Năm học 2024 - 2025 là năm học triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với khối lớp 5. Nhà trường căn cứ Quyết định số 1688 (ngày 29/3/2024) của UBND TP Hà Nội về ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố. Theo đó, từng giáo viên của tổ chuyên môn sẽ nghiên cứu, đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng bộ sách theo các tiêu chí quy định, viết phiếu đánh giá trước khi họp tổ chuyên môn rồi thảo luận, bỏ phiếu SGK cho môn học.

Các tiêu chí lựa chọn SGK đều vô cùng cần thiết song với đa số giáo viên Trường Tiểu học Phúc Diễn, tiêu chí ưu tiên là phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, SGK cần tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá vì đây là cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Cụ thể, các bài học/chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày với các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng. Sách có các chủ đề, nội dung chú trọng việc thực hiện tích hợp kiến thức liên môn, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống.

Nội dung SGK với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, đánh giá được kết quả giáo dục đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học/hoạt động giáo dục được quy định trong Chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, nội dung SGK tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Qua 4 năm thực hiện SGK mới (từ năm học 2020 - 2021 đến nay), Trường Tiểu học Phúc Diễn nhận thấy Chương trình GDPT 2018 có nhiều thuận lợi, ưu điểm nổi trội. Đặc biệt, học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, các kĩ năng ứng dụng kiến thức vào thực tế được nâng cao rõ rệt.

Học sinh tự tin hơn, khả năng hợp tác nhóm, tư duy độc lập cũng được rèn luyện tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhà trường cũng gặp một số khó khăn, trong đó việc cung ứng sách giáo viên cho trường còn chậm, tài liệu Giáo dục địa phương ban hành còn muộn nên việc triển khai chưa đạt hiệu quả cao.

Đăng Chung (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-su-chu-dong-trach-nhiem-cua-giao-vien-trong-chon-sgk-post682965.html