Phát huy nguồn lực doanh nhân, doanh nghiệp để phát triển đất nước

Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay đối với doanh nhân Việt Nam có niềm vui lớn khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Điều này thể hiện sự trân trọng, quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Những thách thức lớn

Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu đang tác động vào kinh tế đất nước ở cả 3 khía cạnh chính là kinh tế vĩ mô, cộng đồng doanh nghiệp và năng suất lao động.

Về kinh tế vĩ mô: Nền kinh tế vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới do xung đột quân sự, sự cạnh tranh giữa các siêu cường và phản ứng chính sách của các nước nhằm đối phó với lạm phát..., GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 (thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP của năm.

Việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.

Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa trò chuyện với người lao động. Ảnh: PHẠM HƯNG

Về cộng đồng doanh nghiệp: Trong 9 tháng năm 2023 có 75,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; vốn đăng ký của số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tăng 6% so với năm 2021 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản của các đơn vị này. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trung bình của các DNNN là 1,09 lần... Các số liệu trên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-bao gồm cả DNNN-đang gặp nhiều khó khăn.

Về năng suất lao động: So sánh thống kê cũng cho thấy năng suất lao động của Việt Nam bị tụt hậu so với khu vực; năm 2022, chỉ bằng 1/4 của Hàn Quốc, gần bằng 2/3 so với Trung Quốc và khoảng 2/3 của Thái Lan... Nguyên nhân cơ bản không chỉ là công tác đào tạo lao động mà còn do sự chậm đổi mới thể chế, cấu trúc của các nguồn vốn xã hội Việt Nam.

Thời cơ và nguồn nhân lực

Thế giới ngày nay thay đổi nhanh chóng nhờ những sáng kiến liên kết chiến lược khu vực và toàn cầu mới. Việc Việt Nam hiện là thành viên tích cực của các tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương là ASEAN, RCEP, IPEF và đã xây dựng quan hệ cấp đối tác chiến lược toàn diện với 3 thành viên lớn nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ) càng đòi hỏi chúng ta phải sử dụng những người có năng lực nhất để tận dụng các cơ hội phát triển mới vì nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất của mọi tổ chức cũng như quốc gia.

Tuy nhiên, chỉ có nhân tài là chưa đủ, cần bảo đảm rằng các cá nhân được định vị để đạt thành công tối ưu. Nói cách khác, tuyển dụng những người giỏi nhất chỉ là một phần của giải pháp, quan trọng hơn là phát huy những điều tốt nhất ở những con người đó.

Để làm được điều này đòi hỏi phải giải phóng tiềm năng vốn con người và xã hội thông qua việc chủ động xây dựng, đổi mới thể chế, cấu trúc của tổ chức bao gồm 3 thành tố chính: Con người, bộ máy, cơ chế nhằm thực hiện mục đích của tổ chức một cách hiệu quả ở cả 3 tiêu chí cốt lõi là giá thành, tiêu chuẩn (kỹ thuật, môi trường và xã hội) và tiến độ.

Nghiên cứu công nghệ cao tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh: THU HƯƠNG

Các chuyên gia về cạnh tranh cho rằng, đối với các nước đang phát triển, bên cạnh những giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trước mắt, điều quan trọng không kém là cần chú trọng tập trung nghiên cứu chiến lược xây dựng và đổi mới kết hợp phát triển hai nguồn lực con người và xã hội.

Vì đây không những là nguồn lực nền tảng mà còn là những nguồn vốn giúp cho việc thúc đẩy, quản trị bền vững 3 nguồn lực còn lại: Môi trường, tài chính và sản phẩm, hướng tới một xã hội có sức cạnh tranh mạnh mẽ với năng suất lao động và chất lượng sống của người dân ngày một nâng cao.

Phát huy hiệu quả đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp

Trong tiến trình đó, các nhà quản lý đưa ra 3 nội dung và giải pháp đáng lưu ý để phát huy hiệu quả nguồn vốn đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc chủ động phát huy và thúc đẩy các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với doanh nhân: Phẩm chất đổi mới và sáng tạo của nguồn vốn con người được thể hiện qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, cùng với sự phát minh ra cơ chế thị trường và sự xuất hiện của đội ngũ doanh nhân đã đem lại một cuộc sống và xã hội thịnh vượng hơn. Chính vì vậy, chính sách “an cư lạc nghiệp” là ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia, là cơ sở chính để phát triển nguồn vốn con người và doanh nhân.

Các nội dung luật pháp bảo vệ nhu cầu cơ bản của doanh nhân như sản xuất, kinh doanh, học tập... và an ninh cá nhân cần phải được bảo đảm... Trong đó, việc bảo đảm lòng tin vào công lý, pháp luật phải là một trong những vấn đề cốt lõi trong việc kinh doanh.

Doanh nhân với mục đích là lợi nhuận và tăng trưởng bền vững cũng cần có niềm tin mạnh mẽ vào sự liên kết nguồn lực xã hội trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật của chính mình, nhằm tối đa hóa năng suất bản thân và đạt được mục đích kinh doanh cao nhất theo thời gian.

Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp tư nhân và cả DNNN cần nhận thức các mô hình kinh doanh phổ biến như doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp xã hội... là những mô hình của nền kinh tế thị trường phát triển. Những mô hình này mặc dù phức tạp về quản lý nhưng sẽ làm tăng nguồn lực tài chính cũng như nguồn lực xã hội của doanh nghiệp về dài hạn.

Chính vì vậy, cần coi chính sách cổ phần hóa là một chiến lược cơ bản để phát triển, khi mà quy mô doanh nghiệp sẽ là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng ngày càng cao và thị trường hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu tham gia liên kết và liên minh trong các hiệp hội doanh nghiệp quốc gia như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội địa phương, chuyên ngành để gia tăng nguồn lực xã hội.

Đối với chiến lược phát triển vốn xã hội: Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ phương hướng đổi mới và tăng cường chất lượng thể chế, trong đó bao gồm cả thể chế, cấu trúc của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong nước, cần đổi mới cơ chế hợp tác công tư nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đối với 3 nhóm cộng đồng doanh nghiệp cốt lõi: Thương mại, sản xuất công nghiệp và ngân hàng. Trong lĩnh vực đối thoại chính sách của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, cần xây dựng cơ chế hợp tác của giới lãnh đạo thuộc 3 lĩnh vực này luân phiên chủ trì hằng năm để tránh hiện tượng nhóm lợi ích, tập trung đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn (hạn chế đầu tư quá mức vào bất động sản) và phù hợp với chu kỳ phát triển của nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, cần nghiên cứu cải tiến chất lượng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển hạ tầng (đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông) như là một cơ chế cổ phần để tăng cường hiệu quả sử dụng đất, hạn chế dùng vốn ngân sách và ODA nhằm tránh nguy cơ tăng nợ công cho nền kinh tế và nguy cơ bẫy thu nhập trung bình.

Ở nước ngoài, với lợi thế cạnh tranh có vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng khu vực và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nền kinh tế lớn nhất thế giới (đồng thời là trung tâm công nghệ cao và công xưởng của thế giới), doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội phát huy đổi mới, sáng tạo trong việc phát triển những thương hiệu sản phẩm uy tín vươn ra toàn cầu.

Cần tạo nền tảng cơ bản kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế trong việc thiết lập các phòng thương mại ở các thị trường trọng điểm để tạo ra những nguồn lực mới cho đất nước trong thời đại kỹ thuật số và công nghệ cao.

Nói tóm lại, cần phải chủ động thúc đẩy các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội thông qua chiến lược sử dụng và đổi mới phát triển nguồn lực con người và xã hội, đặc biệt là nguồn lực doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp một cách hiệu quả để hướng tới một quốc gia phát triển và hùng cường.

TS ĐOÀN DUY KHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-nguon-luc-doanh-nhan-doanh-nghiep-de-phat-trien-dat-nuoc-746840