Phát huy mặt được và khắc phục bất cập trong các dự án BOT giao thông

Báo cáo kết quả giám sát các dự án BOT giao thông tại Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Trưởng đoàn giám sát khẳng định, hình thức đầu tư PPP trong đó có BOT đã tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng giao thông, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.

Hướng đi đúng để phát triển hạ tầng

Theo ông Thanh, về hiệu quả tổng thể, các dự án BOT giao thông, đặc biệt là hệ thống đường, cầu đã tạo điểm nhấn cho sự phát triển. “Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần, việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung; Đồng thời, giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Ông Thanh cũng cho rằng, con số 71 dự án đầu tư BOT giao thông đã và đang được thực hiện với khoảng 178.000 tỷ đồng của các thành phần kinh tế được huy động cho đầu tư, làm giảm bớt một gánh nặng không nhỏ của ngân sách Nhà nước. Quá trình giám sát, đa số người dân tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ công cộng tốt hơn, đầy đủ hơn với một mức chi phí hợp lý.

“Từ kết quả và kinh nghiệm có được trong việc triển khai các dự án giao thông BOT thời gian qua cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, cần tiếp tục được phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác”, ông Thanh nói thêm.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, qua giám sát nêu được kết quả thực hiện tác động của chính sách huy động nguồn lực lớn cho hạ tầng giao thông. Là hình thức mới nhưng Chính phủ thường xuyên bám sát thực tiễn tháo gỡ cho doanh nghiệp (DN) và địa phương thực hiện hình thức này. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Vẫn có tình trạng triển khai dự án ở nơi dễ làm, chi phí ít, còn nơi quá tải chưa quan tâm đầu tư nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Vậy phải tập trung vào nơi cần thiết trước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, thời gian qua, có những ý kiến bức xúc ở một số dự án BOT, nhưng bản thân BOT không có lỗi, mà vấn đề nằm ở chỗ do cơ sở pháp lý thiếu, không đồng bộ... nên ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện. Khác với nhiều cuộc giám sát khác, khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì giữa cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát còn ý kiến khác nhau, nhưng với nội dung giám sát việc đầu tư, thực hiện, khai thác các dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có sự thống nhất cao với đoàn giám sát.

Cũng theo bà Nga, lâu nay, giao thông là huyết mạch phát triển kinh tế của đất nước, là nhu cầu thiết yếu của người dân, không có giao thông thì không thể phát triển được. Hình thức BOT không phải là mới, mà thực chất đã được thực hiện từ năm 1997 theo Nghị định của Chính phủ. Qua quá trình giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra bất cập, hạn chế trong việc khai thác, đầu tư dự án BOT. Tuy nhiên, cần có đánh giá công bằng hơn nữa những mặt đã đạt được của các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT. Không thể phủ nhận hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bộ mặt đất nước những năm qua đã đổi thay rất nhiều. Chính hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có đóng góp tích cực thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội. “Thực tế, hệ thống cầu, đường đã tốt hơn, điều đó ai cũng cảm nhận được nên cần có những đánh giá đậm nét hơn về những kết quả đạt được về hình thức đầu tư này”, đại biểu Nga nói.

Cần cân bằng lợi ích

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho biết, dù có nhiều quy định nằm trong các luật liên quan, nhưng chúng ta lại chưa có luật dành riêng cho hình thức đầu tư này. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện còn chưa thật sự tốt, gây bức xúc cho người dân ở một số khu vực.

“Trong BOT, vấn đề quan trọng nhất chính là việc cân bằng lợi ích của các bên: Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện, các Ban quản lý dự án và người dân chịu sự tác động của dự án. Khi thực hiện dự án, cũng có dự án tốt, có nhà đầu tư tốt, nhưng cũng có nhà đầu tư gian dối, vì vậy, rất cần có sự đánh giá công bằng”, bà Nga nói và cho rằng, một cuộc giám sát ngoài giá trị vĩ mô cũng phải có khen, có chê. Người làm tốt phải được khen, người làm không tốt cũng phải chỉ ra được trách nhiệm. Thẩm quyền phải đi cùng với trách nhiệm, quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó. Lâu nay, người dân bức xúc về việc không có sự lựa chọn, khi không đi đường BOT thì không còn con đường nào khác. Điều này cho thấy chúng ta còn thiếu một quy hoạch tổng thể để tạo ra sự lựa chọn cho dân.

Còn về việc diễn ra mới đây ở trạm BOT Cai Lậy hay một số dự án khác khi người dân dùng tiền lẻ đi qua trạm thu phí, đây là cách người dân phản ứng với việc thu phí. Chúng ta không ủng hộ những cách phản ứng trái quy định của pháp luật, nhưng Chính phủ cũng cần tổng rà soát lại để nghe kiến nghị của dân, có đối thoại, lắng nghe ý kiến của dân, những người chịu tác động của dự án để tạo được sự thống nhất, đồng thuận.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nhất trí với kết quả báo cáo của đoàn giám sát. Bộ trưởng khẳng định liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, rất cần thiết bảo đảm sự minh bạch từ lúc chuẩn bị dự án cho đến khi đưa dự án vào khai thác, đặc biệt là phải minh bạch trong việc lựa chọn dự án, trong lựa chọn nhà đầu tư, trong quản lý chi phí xây dựng và cả việc quản lý thu phí.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tháng 6-2016, Bộ GTVT đã chủ động tiến hành tổng kết việc phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trong giai đoạn từ 2011-2016 và đã có báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan. Qua tổng kết, Bộ đã có khuyến nghị về việc xác định dự án BOT nên chọn dự án xây dựng mới để không hạn chế quyền lựa chọn đi lại của người dân. Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc này và đề xuất nâng Nghị định 15 lên thành Luật để tạo điều kiện huy động rộng rãi nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, được như vậy thì việc triển khai các dự án lớn như dự án cao tốc bắc - nam sẽ thuận lợi hơn.

Giải trình băn khoăn của các đại biểu chung quanh sự việc xảy ra vài ngày nay tại trạm thu phí Cai Lậy, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, quá trình lập dự án, Bộ GTVT và địa phương đã lấy đầy đủ các ý kiến từ HĐND, ĐBQH và địa phương. “Hiệp hội vận tải ở địa phương không có phản ứng gì, chỉ có lái xe một số doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng, nhưng cách thức ấy thật sự làm chúng tôi rất buồn”, Bộ trưởng Nghĩa nói và khẳng định, các đề xuất của địa phương và người dân sẽ được giải quyết. Hiện, Bộ GTVT đã tập hợp đưa ra các phương án giải quyết, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ.

THÀNH HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/33798602-phat-huy-mat-duoc-va-khac-phuc-bat-cap-trong-cac-du-an-bot-giao-thong.html