Phát huy hiệu quả các dự án khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, tỉnh Quảng Nam vẫn nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN). Các sở, ban, ngành, đoàn thể đều nỗ lực hướng đến mục tiêu thực hiện dự án không chỉ ngày càng hiệu quả, mà còn đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc với tỉnh Quảng Nam về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS & MN. Ảnh: Trúc Hà

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc với tỉnh Quảng Nam về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS & MN. Ảnh: Trúc Hà

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam chiếm diện tích lớn, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp, thường xuyên bị tác động, ảnh hưởng bởi thiên tai. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 70 xã vùng đồng bào DTTS & MN của tỉnh còn khá cao, chiếm tỷ lệ 23,35% (theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS của 70 xã chiếm 95,5%. Số hộ nhà ở tạm bợ, dột nát 4.951 hộ; hộ có nhu cầu về đất ở 1.347 hộ; hộ thiếu đất sản xuất cũng như nhu cầu chuyển đổi ngành nghề 2.062 hộ; hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh 6.527 hộ; hộ có nhu cầu sắp xếp dân cư tập trung và xen ghép 4.157 hộ… Đây là những thách thức cho chính quyền địa phương trong việc giảm tỷ lệ nghèo, phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS & MN tỉnh Quảng Nam.

Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, UBND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành 8 Nghị quyết và 1 Chỉ thị để chỉ đạo, đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối các cấp để tham mưu thực hiện các chương trình, dự án. Quảng Nam cũng đã thông qua HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ vốn cho các địa phương thuộc vùng thụ hưởng Chương trình trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện. Cụ thể, trong năm 2022, Quảng Nam có tổng vốn giải ngân (đến ngày 30/1/2023) các dự án, chương trình liên quan vùng đồng bào DTTS & MN của tỉnh là 59.274 triệu đồng/422.558 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư 52.852 triệu đồng/279.381 triệu đồng, đạt 18,9%; vốn sự nghiệp giải ngân 6.422 triệu đồng/143.177 triệu đồng, đạt 4,5%.

Thông qua các dự án, chương trình này, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS của Quảng Nam thực hiện đạt trên 10% (kế hoạch trên 3%); triển khai xây dựng mới và sửa chữa 60 công trình; đã thực hiện giao khoán, bảo vệ ổn định rừng tự nhiên cho nhân dân quản lý bảo vệ 4.037ha (kế hoạch 54.557ha). Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, quý 1/2023 (tính đến ngày 20/3/2023), tỉnh Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư 17.839,13 triệu đồng, đạt 7,9%; vốn sự nghiệp 2.247,09 triệu đồng, đạt 1,6%.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình nên một số Bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện; vì vậy, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã được phân bổ nhưng không có cơ sở để thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương vào đầu quý 3/2022, trong khi Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành để làm cơ sở triển khai thực hiện đã là quý 4/2022. Đây là mùa mưa bão, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, do đó, công tác giải ngân nguồn vốn năm 2022 đạt thấp.

Năm 2022 và quý 1/2023, tình hình đời sống, sản xuất vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam tiếp tục chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường, nhất là việc trồng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi bảo vệ được quan tâm đầu tư thực hiện từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực địa phương. Công tác giáo dục, đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được các cấp, các ngành quan tâm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn vùng DTTS & MN không xảy ra dịch bệnh, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, ổn định.

Ngày 21/4 vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS & MN. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hầu A Lềnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được.

Đồng chí cho rằng, Quảng Nam là địa phương có nhiều chính sách đặc thù riêng để phát triển để hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS & MN của tỉnh. Trong quá trình triển khai, Quảng Nam cũng có những chủ động, tích cực và quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS & MN của tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc; nhiều vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các quy định, chỉ đạo của Trung ương đạt hiệu quả.

“Trước mắt, có thể thí điểm, đồng thời báo cáo với Trung ương để hỗ trợ, xin “cơ chế đặc thù”, chẳng hạn như mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở miền núi của tỉnh. Về phần Ủy ban Dân tộc hiện cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ cơ chế đặc thù, xác định vùng, địa bàn có ưu thế để cho làm thí điểm các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là các loại nông phẩm có giá trị để nhân rộng” - đồng chí Hầu A Lềnh chia sẻ.

Đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, mặc dù có những khó khăn, nhưng Quảng Nam đã từng bước tìm cách tháo gỡ; chủ động rà soát, phối hợp để đảm bảo quy trình, yêu cầu đặt ra. Đặc biệt là việc triển khai, phân bổ sớm các nguồn lực để đạt những kết quả nhất định. Thời gian qua, việc phối hợp giữa địa phương với Trung ương, giữa các cấp từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thống nhất, thường xuyên, vì thế, đã giúp quá trình triển khai chương trình mang lại hiệu quả thiết thực.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt những nội dung đã rõ, đã cụ thể hóa, kể cả việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn; chủ động tập trung ở những địa bàn khó khăn trước để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả các dự án, chương trình. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam mong rằng, Trung ương sẽ phối hợp với địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bổ sung, hoàn thiện những nội dung liên quan đến chương trình chưa có, còn thiếu.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Hầu A Lềnh lưu ý, cũng như nhiều địa phương khác của cả nước, Quảng Nam phải tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án liên quan đến khu vực đồng bào DTTS & MN của tỉnh. Mục tiêu là phải hướng đến việc triển khai các dự án, chương trình ngày càng hiệu quả, đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương. Để làm được điều đó, tỉnh phải xem xét và tìm ra các mô hình hiệu quả để nhân rộng.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-hieu-qua-cac-du-an-khu-vuc-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-quang-nam-post461010.html