Phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật mang tính cộng đồng, gắn bó với đời sống của người dân Nam bộ. Tại Kiên Giang, loại hình nghệ thuật này được duy trì hoạt động, giao lưu tại các địa phương.

LAN TỎA NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ TRONG CỘNG ĐỒNG

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, qua 3 năm (2018-2020) thực hiện đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, phong trào phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Số lượng và chất lượng câu lạc bộ đờn ca tài tử nhiều. Trên địa bàn tỉnh có gần 100 câu lạc bộ và nhóm đờn ca tài tử với trên 1.500 người tham gia sinh hoạt tại các địa bàn của 15 huyện, thành phố.

Tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng cho người truyền dạy đờn ca tài tử, hội thi đờn ca tài tử các cấp; các cuộc thi sáng tác lời mới 20 bài bản tổ; tọa đàm ghi nhận ý kiến của nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nghệ nhân về giải pháp bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh; sưu tầm bài bản đờn ca tài tử làm cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý chuyên ngành; tham gia cuộc thi, sinh hoạt đờn ca tài tử với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Thực hiện đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, một số địa phương có cách làm sáng tạo như mô hình đờn ca tài tử huyện An Biên được củng cố, kiện toàn theo hệ thống mạng lưới từ huyện đến xã, ấp; TP. Phú Quốc và huyện Kiên Hải kết hợp sinh hoạt đờn ca tài tử với phục vụ khách du lịch... Nhiều gia đình có truyền thống đờn ca tài tử tổ chức truyền dạy cho thế hệ con, cháu, góp phần đảm bảo tính kế thừa cho loại hình nghệ thuật độc đáo này”.

Tài tử đờn kìm Quốc Trạng, ngụ TP. Rạch Giá có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tại Kiên Giang chia sẻ: “Hàng ngày, vợ chồng tôi truyền dạy đờn ca tài tử cho các cháu nhỏ. Ai muốn học tôi đều dạy hết lòng. Với tôi, đờn ca tài tử là đam mê. Ngoài ra, tôi muốn góp phần nhỏ vào việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật phi vật thể đặc sắc của nhân loại”.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐỜN CA TÀI TỬ

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, mặc dù phong trào đờn ca tài tử tỉnh khởi sắc, tuy nhiên còn hạn chế như phong trào còn mang tính tự phát; số lượng câu lạc bộ, nghệ nhân và cơ sở truyền dạy đờn ca tài tử trong cộng đồng có xu hướng giảm; còn thiếu tác phẩm mới; ngân sách nhà nước đầu tư cho đờn ca tài tử còn ít so nhu cầu; các lớp tập huấn, truyền dạy đờn ca tài tử ít...

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại nhà nghệ nhân Quốc Khải (TP. Hà Tiên).

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại nhà nghệ nhân Quốc Khải (TP. Hà Tiên).

Để khắc phục hạn chế trên, ngày 17-5, đồng chí Nguyễn Lưu Trung - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Quyết định 1200/QĐ-UBND phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành, các cấp, địa phương tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đờn ca tài tử; hàng năm, mở lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý tổ chức, hoạt động câu lạc bộ và lớp dạy đờn và ca tài tử từ cơ bản đến nâng cao.

Tổ chức lớp tập huấn về sáng tác lời mới, điều hành câu lạc bộ, nghiệp vụ sư phạm truyền dạy đờn ca tài tử; nâng cao chất lượng và số lượng câu lạc bộ đờn ca tài tử, nhất là củng cố, nhân rộng mô hình câu lạc bộ đờn ca tài tử kiểu mẫu; xây dựng 5 câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch; tham gia đầy đủ liên hoan, hội thi cấp khu vực và toàn quốc…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu, đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 góp phần quan trọng cho công tác duy trì hoạt động, giao lưu đờn ca tài tử, phù hợp mục đích, yêu cầu của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đờn ca tài tử trong tình hình mới. Qua đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

“Thời gian tới, ngành văn hóa và thể thao phối hợp ngành giáo dục, các địa phương thí điểm mô hình đờn ca tài tử học đường là môn học ngoại khóa cho học sinh. Tổ chức thi tìm hiểu đờn ca tài tử cho học sinh, sinh viên trong tỉnh; cuộc thi giao lưu tuyên truyền và tìm hiểu kiến thức âm nhạc tài tử dành cho đoàn viên, thanh niên khối cơ quan cấp huyện, thành phố. Biên soạn, in ấn, phát hành sách, tài liệu phục vụ truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang…”, đồng chí Nguyễn Văn Sáu nói.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/phat-huy-gia-tri-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-8764.html