Phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội

Trước đây, nhiều người luôn nhận định, kinh phí để bảo tồn, trùng tu, gìn giữ di sản là con số không nhỏ, tức là di sản chỉ… tiêu tiền. Thế nhưng, giờ đây khái niệm ấy đã dần thay đổi, bởi di sản chính là một 'mỏ vàng' nếu như biết khai thác đúng và trúng. Phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Lê Thị Việt Hà, giảng viên bộ môn Văn hóa doanh nghiệp, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) xoay quanh vấn đề này.

PV: Bà nhìn nhận như thế nào về di sản văn hóa trong sự phát triển của kinh tế - xã hội?

TS Lê Thị Việt Hà: Di sản văn hóa bao gồm các thành tố mang tính phi vật thể như phong tục, nghi lễ, lễ hội, tri thức địa phương, niềm tin, hệ giá trị, nghệ thuật,... và các thành tố mang tính vật thể như đình, đền, miếu, nhà ở… Di sản văn hóa thường được nhấn mạnh ở khía cạnh giá trị là tài sản văn hóa, thể hiện bản sắc và sự kế tục. Trước đây, di sản văn hóa được xem là sản phẩm của quá khứ, phản ánh và thể hiện các giá trị, niềm tin, tri thức,... mang tính truyền thống, thuộc về quá khứ.

TS. Lê Thị Việt Hà.

Với cách hiểu như vậy vô hình chung đã bỏ qua nhiều chiều cạnh kinh tế - xã hội mang tính đương đại của di sản văn hóa. Hiện nay di sản văn hóa được hiểu không chỉ là vật thể của quá khứ cần được bảo tồn, mà là nguồn lực vô giá (bao gồm cả vật thể và phi vật thể) có vai trò trong việc đáp ứng các nhu cầu phát triển cụ thể ở các khía cạnh khác nhau, của các quốc gia và tộc người cụ thể. Sự thay đổi trong nhận thức này được chính UNESCO thúc đẩy từ những năm 80 và nỗ lực này đã được ghi nhận. Biểu hiện rõ nhất của sự ghi nhận này là trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, văn hóa được coi là trụ cột thứ tư của phát triển bền vững. Vai trò của di sản văn hóa không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, mà còn đem lại công bằng xã hội và mô hình phát triển đậm tính bản sắc.

PV: Giá trị kinh tế của di sản được thể hiện thế nào, thưa bà?

TS Lê Thị Việt Hà: Giá trị kinh tế của di sản không được thể hiện một cách thông thường trên thị trường, thương trường mà nó thể hiện gián tiếp thông qua các giá trị khác. Di sản văn hóa có tính biểu tượng, biểu tượng đó phải lồng ghép vào các loại hàng hóa khác để tạo ra lợi nhuận. Ví dụ cụ thể nhất là các di sản văn hóa gắn với tôn giáo như đình, đền, chùa, nhà thờ... khi trở thành di tích lịch sử được xếp hạng, có giá trị tâm linh thì sẽ thu hút được đông đảo du khách thập phương, từ đó mang lại giá trị kinh tế cho địa phương sở hữu di sản đó.

Tương tự, các hoạt động lễ hội mang tính chất cộng đồng như lễ hội đền Hùng, lễ hội bà chúa Kho, lễ hội chùa Hương,… là những lễ hội lớn và đem lại lợi ích không nhỏ cho địa phương. Bản thân ngôi đền hay lễ hội không phải là tài sản được định giá, định lượng, nhưng những hoạt động xung quanh nó như bán vé tham quan du lịch, các dịch vụ hàng hóa đi kèm với lễ hội… đã sản sinh ra kinh tế.

PV: Có thể thấy rằng di sản không phải chỉ tiêu tiền, mà di sản còn kiếm nhiều tiền nếu biết cách khai thác. Tuy nhiên, rõ ràng việc phát huy giá trị kinh tế của di sản vẫn gặp nhiều bất cập?

TS Lê Thị Việt Hà: Việc phát triển kinh tế di sản là một việc làm cần thiết để mang lại giá trị kinh tế cho địa phương sở hữu di sản. Tuy nhiên nhiều địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến việc khai thác di sản một cách quá đà, ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục của dân tộc. Các địa phương đó đã quan tâm đến việc phát triển mà không chú ý đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản. Đó là những hình ảnh không đẹp như tệ nạn chèo kéo khách ở các điểm tham quan di tích, tổ chức các xới bạc ăn tiền, bán hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực tham quan, tiền công đức bị trục lợi. Ví như, tiền công đức bị biển thủ bởi ban quản lý đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An vừa qua làm dư luận hết sức bất bình. Hay lễ hội bị thương mại hóa, là phương tiện bị trục lợi… Tất cả những điều đó là bước cản cho việc phát triển kinh tế di sản.

PV: Theo bà, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

TS Lê Thị Việt Hà: Đây là một câu hỏi khó, cần sự vào cuộc của các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, dưới góc độ một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng để phát triển kinh tế di sản, cần phải hiểu các nguyên tắc kinh tế của di sản, hiểu về di sản, hiểu về cộng đồng sở hữu di sản đó để có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và từ đó mới có thể phát huy di sản phục vụ lại chính cộng đồng, địa phương đó. Kinh tế di sản luôn có hai mục tiêu kép là phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa. Nếu bỏ đi một trong hai mục tiêu này thì đều ảnh hưởng không tốt đến di sản và sự tồn tại của nó.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong phát triển kinh tế di sản là một vấn đề quan trọng và vô cùng phức tạp. Vì khi kinh tế di sản càng phát triển thì lợi ích kinh tế càng gia tăng và kèm theo đó là những xung đột lợi ích. Điều này nhận thấy rõ nhất ở các di sản văn hóa sau vinh danh, xếp hạng.

Để phát triển kinh tế di sản cần quan tâm đến cộng đồng sở hữu di sản cùng các bên liên quan để đảm bảo hài hòa lợi ích, cũng như có chiến lược, mục tiêu bài bản, có sự đóng góp, tham vấn từ các chuyên gia đến từ các lĩnh vực chuyên ngành kinh tế và văn hóa để từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Phương Bùi (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-168041.html