Phát huy giá trị các lễ hội đặc trưng để thu hút du lịch

Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn với ruộng bậc thang kỳ vĩ, những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2024, huyện Hoàng Su Phì phấn đấu đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra trong lễ hội Gầu Tào ở xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Ái Vân

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra trong lễ hội Gầu Tào ở xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Ái Vân

Ngoài bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản đã được các cấp ra quyết định xếp hạng, trong đó có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 2 di tích lịch sử quốc gia, thì Hoàng Su Phì là mảnh đất giàu tiềm năng để khai thác thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, khám phá mạo hiểm.

Đầu năm 2024, đã có 2 lễ hội lớn được huyện tổ chức, đó là lễ hội Gầu Tào ở xã Chiến Phố với chủ đề “Sắc Xuân thảo nguyên hoa mận trắng” của đồng bào dân tộc Mông và lễ hội cúng Thần rừng của đồng bào dân tộc Nùng ở xã Pố Lô. Trong dịp đầu xuân mới, việc tổ chức những lễ hội ở các địa phương là một điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Hoàng Su Phì.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông mang ý nghĩa “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”. Theo quan niệm, đây là dịp để đồng bào Mông cảm tạ thần linh xin cho trời đất ban cho con cái sức khỏe; may mắn để làm ăn và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Đây cũng là dịp để đồng bào Mông thể hiện phong tục tập quán, văn hóa độc đáo riêng của dân tộc. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu được những trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao, trò chơi truyền thống gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông như: Thi kéo co, thi cõng vợ, đánh sàng, bắn cung... của các chàng trai, cô gái đến từ 12 xã của huyện Hoàng Su Phì.

Ông Trần Chí Nhân, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: "Hiện nay, có rất nhiều các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các điểm du lịch của Hoàng Su Phì để xây dựng hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình, tổ chức, cá nhân cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Một vài doanh nghiệp có tiềm năng đã đầu tư các môn thể thao mạo hiểm như dù lượn ở xã Nậm Ti và xã Thung Uyên. Các doanh nghiệp cũng đi khảo sát các xã có điểm du lịch hấp dẫn để có kế hoạch đầu tư, khai thác. Đây là bước khởi sắc giúp huyện Hoàng Su Phì sẽ có bước phát triển hơn về lĩnh vực du lịch trong những năm tới".

Lễ cúng thần rừng, tức “Mo Đống Trư” là lễ hội văn hóa dân gian của dân tộc Nùng, được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm. Đây là một nghi lễ tâm linh của đồng bào dân tộc Nùng, thể hiện sự thành kính của con người trước Thần rừng. Theo lời của những người già kể lại, Thần rừng trong tín ngưỡng của dân tộc Nùng có tên là Hoàng Văn Thung, là người anh hùng đã đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược phương Bắc, thu lại đất đai, đem lại cuộc sống ấm no cho các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp làm nơi linh thiêng lập miếu thờ và tôn làm Đống Trư, tức là Thần rừng. Từ đấy, cứ vào dịp tháng giêng hàng năm, các làng dân tộc Nùng trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng Thần rừng tại miếu thờ.

Ông Tảo Tào Sơn, nghệ ngân cúng rừng xã Pố Lô cho biết, lễ cúng Thần rừng đầu tiên là tuyên bố lý do, thứ 2 là phù hộ cho mùa màng bội thu, thứ 3 là phù hộ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm không bị bệnh tật, thứ 4 là phù hộ cho con cháu trong dòng họ khỏe mạnh, hạnh phúc... Ngoài lễ hội tâm linh, du khách tham dự lễ hội còn được tự mình trải nghiệm chơi các trò chơi dân gian, cùng với người dân bản địa như đẩy gậy, vật chày, múa những điệu múa cổ của dân tộc, trình diễn những trang phục truyền thống, cảm nhận sự huyền bí của tiết mục nhảy lửa...

Hoàng Su Phì có hơn 14.000 hộ, gần 70.000 nhân khẩu, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Hoàng Su Phì luôn được cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện. Trong năm, nhiều lễ hội văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc đã được phục dựng và duy trì, góp phần giáo dục văn hóa truyền thống, tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Đã có nhiều lễ hội, lễ thức được huyện kiểm kê, lập hồ sơ, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Quý Héng của dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu, tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí, lễ cúng Thần rừng và nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng ở xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài...

Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Nùng ở xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Ái Vân

Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Nùng ở xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Ái Vân

Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi cao trên 2.400m, những cánh rừng nguyên sinh, rừng chè Slan tuyết cổ thụ. Ngoài ra, còn có thành phần văn hóa độc đáo và phong phú là kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống được người dân bảo tồn và giữ gìn. Bên cạnh đó, huyện có 8 di tích, di sản được các cấp ra quyết định xếp hạng di sản, trong đó có 4 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và 4 di tích văn hóa cấp quốc gia. Những điều kiện trên giúp huyện Hoàng Su Phì thu hút đầu tư về lĩnh vực du lịch và nông nghiệp sạch.

Năm 2023, huyện Hoàng Su Phì thu hút 125.000 lượt khách đến với các cơ sở du lịch, mang lại doanh thu cho huyện trên 100 tỷ đồng. Có được kết quả đó là nhờ huyện đã phát huy thế mạnh của tự nhiên, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa, lễ hội để thu hút khách du lịch.

Ông Lù Văn Chung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HDND huyện cho biết: "Hoàng Su Phì có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, có nhiều văn hóa đặc sắc và phong phú của các dân tộc. Để thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, huyện đã triển khai Đề án bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là các lễ hội của đồng bào dân tộc để tạo thành sản phẩm du lịch phát triển ở địa phương. Tổ chức các lễ hội truyền thống sẽ thu hút khách du lịch đến tham gia, tìm hiểu văn hóa các dân tộc, từ đó, bà con sẽ thấy được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cần được bảo tồn, phát huy, phục vụ cho chính đồng bào cũng như tạo thành sản phẩm để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương".

Những lễ hội, lễ thức tiêu biểu đã trở thành môi trường tích cực, thuận lợi để đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa. Đồng thời, quảng bá để thu hút khách du lịch đến với vùng đất giàu tiềm năng, từ đó, nỗ lực đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai không xa.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-gia-tri-cac-le-hoi-dac-trung-de-thu-hut-du-lich-post475775.html